Ngày 13/12, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3397/QĐ-UBND Ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2023.
Từ đầu năm đến nay Quảng Nam xảy ra nhiều ổ dịch ở động vật như: 100 ổ dịch tả lợn Châu phi (DTLCP), bắt buộc tiêu hủy à 2.587 con, hiện còn 07 ổ dịch ở 07 xã/05 huyện, thành phố; Bệnh Cúm gia cầm (CGC) khiến tiêu hủy bắt buộc 17.335 con, đến nay, toàn tỉnh còn 01 ổ dịch chưa qua 21 ngày; Xảy ra 3 ổ dịch Dại ở 03 xã; 92 ổ dịch Viêm da nổi cục (VDNC) làm mắc bệnh 844 con trâu, bò, tiêu hủy bắt buộc 148 con; Bệnh lở mồm long móng cùng một số bệnh khác trên đàn gia súc, gia cầm cũng xảy ra rải rác nhưng nhờ phát hiện, xử lý kịp thời, không gây thành dịch.
Ngoài ra, đã xuất hiện nhiều bệnh ở động vật thủy sản, điển hình là: Bệnh đốm trắng (WSD) trên tôm thẻ; Bệnh hoại tử gan tuỵ (AHPND) trên tôm thẻ chân trắng; Bệnh vi bào tử trùng (EHP) trên tôm thẻ chân trắng; Bệnh do biến đổi môi trường trên tôm; Diện tích cá bị nhiễm khuẩn do streptococcus là 4 ha, diện tích cá chết do môi trường 10,35 ha.
Trong năm 2022, một số loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm và động vật thủy sản, làm ảnh hưởng đến kinh tế và phát triển sản xuất chăn nuôi. Các Sở, Ban, ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm khống chế dịch bệnh, đến nay, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp; Bên cạnh đó, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh lớn, chăn nuôi quy mô nông hộ chiếm đa số, tỷ lệ tiêm phòng định kỳ hàng năm đạt thấp… nên nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian đến là rất cao.
Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2023 nhằm chủ động ngăn chặn, phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm các loại dịch bệnh, đảm bảo cho ngành chăn nuôi, thủy sản phát triển bền vững, bảo vệ sức khỏe người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Kế hoạch đề ra 11 nội dung và giải pháp thực hiện, bao gồm: Tổ chức, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra; Tiêm vắc xin phòng bệnh; Giám sát lâm sàng, lưu hành vi rút, sau tiêm phòng và chẩn đoán xét nghiệm bệnh; Điều tra ổ dịch, xử lý ổ dịch khi có dịch xảy ra; Vệ sinh, khử trùng tiêu độc; Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; Quản lý hoạt động buôn bán thuốc thú y; Quản lý người hành nghề thú y; Thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn; Chuẩn bị vật tư, hóa chất phòng, chống dịch bệnh.