Thông tin tuyên truyền

Giới thiệu về tỉnh Quảng Nam

Cổng thông tin điện tử Quảng Nam14/08/2024 16:18

Quảng Nam là tỉnh nằm ở trung tâm của Việt Nam, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung Việt Nam.

Tổng quan về Quảng Nam

Toàn tỉnh có 2 thành phố (Tam Kỳ, Hội An), 01 thị xã (Điện Bàn) và 15 huyện (Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước, Nông Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Núi Thành và Phú Ninh). Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 1.057.474 ha, với dân số gần 1,5 triệu người.

Bản đồ hành chính tỉnh Quảng Nam
Bản đồ hành chính tỉnh Quảng Nam

Quảng Nam có địa lý vô cùng thuận lợi để kết nối các địa phương khác của Việt Nam và thế giới; có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Là địa phương duy nhất của Việt Nam có 2 di sản văn hóa thế giới là Khu đền tháp cổ Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An. Có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đảo Cù Lao Chàm với những vẻ đẹp hoang sơ, nhiều loại sản vật quý hiếm. Có 125 km bờ biển cát trắng, nắng vàng, nhiều bãi biển với cảnh quan đẹp nổi tiếng, được tạp chí Forbes bình chọn là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh nên thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Đặc biệt, Quảng Nam có khu kinh tế mở Chu Lai - khu kinh tế ven biển đầu tiên của Việt Nam, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực theo thông lệ quốc tế.

Lịch sử, văn hóa truyền thống tỉnh Quảng Nam

Về lịch sử

Trước kia Quảng Nam là đất Chiêm Thành, năm 1306 theo thỏa ước giữa vua Chiêm Thành là Chế Mân và vua Đại Việt là Trần Nhân Tông, vua Chế Mân dâng hai châu Ô tức Thuận Châu (bắc Hải Vân) và châu Rí tức Hóa Châu (Nam Hải Vân) làm sính lễ cưới con gái vua Trần Nhân Tông là công chúa Huyền Trân. Người Việt dần định cư tại hai vùng đất mới, người Chiêm Thành lùi dần về vùng đất còn lại phía Nam của vương quốc

Năm 1402, nhà Hồ thay thế nhà Trần. Nhà Hồ chia Hóa Châu thành 4 châu nhỏ hơn là Thăng Châu, Hóa Châu, Tư Châu và Nghĩa Châu và đặt An Phủ Sứ cai trị.

Năm 1471, sau khi chiếm vùng đất phía Nam Thuận Hóa cho đến đèo Cù Mông, vua Lê Thánh Tông lập thêm đơn vị hành chính thứ 13 - Thừa Tuyên Quảng Nam gồm 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn (nay là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định). Danh xưng Quảng Nam xuất hiện từ đây.

Cư dân Quảng Nam là sự cộng cư trong suốt quá trình mở nước. Người Việt (Kinh) có mặt ở Quảng Nam trước năm 1471, cùng với người Chăm pa, người Hoa. Ngày nay, ở Quảng Nam, ngoài người Việt thuần gốc, người Hoa, còn có người Việt (Kinh) có nguồn gốc tổ tiên lâu đời là người Trung Quốc (người Minh Hương).

Theo dòng lịch sử, Quảng Nam từng là đất đóng đô của một vương quốc cổ có thời gian tồn tại 15 thế kỷ. Dưới triều Lê Thánh Tông (năm 1471), Quảng Nam trở thành một bộ phận của Đại Việt và trong thời điểm Trịnh-Nguyễn phân tranh, Quảng Nam thuộc quyền cai quản của chúa Nguyễn (từ năm 1570). Hội An được chọn là điểm giao thương duy nhất với thế giới khi đó nên nhiều thương gia nước ngoài hay gọi Quảng Nam Quốc. Bằng lao động sáng tạo, Quảng Nam đã góp phần vào tiến trình mở nước của dân tộc và tạo lập cuộc sống phồn vinh của một vùng - xứ Quảng. Biên niên sử thời Nguyễn đã chép về giai đoạn này như sau: “Chúa ở trấn hơn 10 năm, (chúa Tiên Nguyễn Hoàng) chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, nhân dân đều an cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp. Thuyền buôn các nước đến nhiều. Trấn trở nên một đô hội lớn”.

Đến giữa thế kỷ XVII, chính quyền đàng Trong nhanh chóng suy yếu, nạn chiếm đoạt và tập trung ruộng đất diễn ra gay gắt, thuế khóa ngày càng tăng… Quan lại lợi dụng hành hạ, ẩu lậu, cố tình tăng giảm, sinh sự làm khổ dân. Trước hoàn cảnh đó, khi phong trào Tây Sơn bùng nổ, nhân dân Quảng Nam đã hưởng ứng mạnh mẽ. Mùa thu năm 1773, khi quân Tây Sơn kéo ra Quảng Nam, nhân dân Quảng Nam đã phối hợp cùng nghĩa quân phục kích ở Bến Đá (Thạch Tân, Thăng Bình, Quảng Nam) đánh bại quân của chúa Nguyễn do các tướng Nguyễn Cửu Thống, Nguyễn Hữu Sách… chỉ huy. Chiến thắng của phong trào Tây Sơn trong sự nghiệp đánh đổ tập đoàn phong kiến Trịnh-Nguyễn, mở đầu sự nghiệp thống nhất đất nước có phần đóng góp rất lớn của nhân dân Quảng Nam.

Năm 1806 vua Gia Long thống nhất đất nước. Về hành chính, vua chia đất nước thành 23 trấn và 4 doanh thuộc đất kinh kỳ gồm Trực Lệ-Quảng Đức, Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam doanh.

Năm 1831, vua Minh Mạng đổi trấn và doanh thành tỉnh. Quảng Nam chính thức trở thành tỉnh từ năm này. Tỉnh Quảng Nam được chia thành 8 phủ, huyện gồm Hòa Vang, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, và Tiên Phước.

Năm 1888, dưới thời vua Thành Thái Đà Nẵng thị tách khỏi Quảng Nam để trở thành đất nhượng địa của thực dân Pháp.

Sau Hiệp định Gonèvo, dưới thời chế độ Việt Nam Cộng Hòa tỉnh Quảng Nam (1956) bị chia thành hai tỉnh mới là Quảng Nam ở phía Bắc gồm các quận Hòa Vang, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đức Dục, Hiếu Nhơn, Quế Sơn, Hiếu Đức, và Thường Tín và Quảng Tín ở phía Nam gồm Thăng Bình, Tiên Phước, Hậu Đức, Lý Tín, Hiệp Đức và Tam Kỳ.

Sau khi thống nhất đất nước, chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam quyết định sáp nhập hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín và Thành phố Đà Nẵng thành lập tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng với Đà Nẵng là tỉnh lị. Tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng gồm Thành phố Đà Nẵng và các huyện Hoà Vang, Ðiện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Ðại Lộc, Quế Sơn, Tiên Phước, Tiên Giang, Phước Sơn, Trà My.

Năm 1997, tại kỳ họp thứ X của Quốc Hội, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng được chia thành hai đơn vị thành chính độc lập gồm Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Tỉnh Quảng Nam mới có 14 huyện gồm Giằng (nay là huyện Nam Giang), Hiên (nay là Đông Giang và Tây Giang), Đại Lộc, Phước Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn (nay là Quế Sơn và Nông Sơn), Thăng Bình, Hiệp Đức, Tiên Phước, Trà My (nay là Bắc Trà My và Nam Trà My, Núi Thành và 2 thị xã: thị xã Tam Kỳ (nay là thành phố tỉnh lị Tam Kỳ và huyện Phú Ninh) và thị xã Hội An (nay là thành phố Hội An)

Về văn hóa truyền thống

Nói đến Quảng Nam là nói đến vùng đất hội tụ và kết tinh của nhiều nền văn hóa khác nhau, mảnh đất có nhiều di tích văn hóa, lịch sử, nơi đã sản sinh ra nhiều thế hệ danh nhân; mảnh đất “Trung dũng kiên cường” giàu lòng yêu nước và truyền thống cách mạng. Nói đến văn hóa Quảng Nam là nói đến những di sản văn hoá vật thể tiêu biểu và độc đáo với 55 di tích cấp quốc gia và 282 di tích cấp tỉnh. Nổi bật nhất là 2 Di sản văn hoá thế giới là khu Phố cổ Hội An và khu Đền tháp Mỹ Sơn; ngoài ra, có thể kể đến hệ thống tháp Chăm, Kinh đô cổ Trà Kiệu,... Bên cạnh đó, Quảng Nam có nhiều di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc. Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có trên 300 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, trong đó có 120 lễ hội dân gian tiêu biểu và nhiều di sản phi vật thể khác có giá trị, như: về âm nhạc có Tuồng, hát bài chòi, hò bả trạo; nghệ thuật ẩm thực; những tri thức dân gian; làng nghề truyền thống...

Miền núi Quảng Nam, địa bàn cư trú lâu đời của các tộc người thiểu số như Cơ-tu, Cor (Koh), Gié-Triêng, Xê-đăng… nét đặc trưng trong văn hóa tộc người Cơ tu như Gươl, cồng chiêng, nói lý, hát lý… đến các nghi lễ, tập quán, nghệ thuật diễn xướng của đồng bào Cor, Cadong, Xêđăng... những giá trị văn hoá đặc sắc (phong tục, tập quán, lễ hội...) tạo ra một bức tranh sinh động, đa sắc về văn hóa phi vật thể đang hiện hữu trong đời sống của nhân dân các vùng, miền làm cho văn hóa Quảng Nam thêm phong phú và đa dạng.

Di tích, danh thắng tỉnh Quảng Nam

Về danh thắng

* Bãi biển Cửa Đại

- Địa điểm: Phường Cẩm An, thị xã Hội An.
- Đặc điểm: là bãi tắm lý tưởng, rộng vài chục ha với dãi cát trắng mịn, nước trong xanh, sóng nhỏ và luôn tràn ngập ánh sáng mặt trời.

* Cù lao Chàm

- Địa điểm: cách thị xã Hội An 31 km về phía biển Ðông.
- Đặc điểm: là quần đảo gồm 8 đảo nhỏ nối sát nhau, người dân chủ yếu sống bằng nghề biển. Đây cũng là nơi chim yến làm tổ và sinh sống.

* Sông Thu Bồn

- Địa điểm: bắt nguồn từ vô số những con suối nhỏ róc rách chảy xuống từ ngọn núi Ngọc Linh ở chỗ giáp giới hai tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi.

- Đặc điểm: sông chảy qua nhiều vùng có thắng cảnh đẹp, nhiều làng quê nổi tiếng. Là nơi lý tưởng để du lịch bằng thuyền vừa và nhỏ.

* Bãi tắm Tam Thanh

- Địa điểm: Xã Tam Thanh, thị xã Tam Kỳ.
- Đặc điểm: là bãi tắm đẹp, đầy nắng, thích hợp để xây dựng các khu du lịch sinh thái biển.

* Bãi Rạng

- Địa điểm: Xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành.
- Đặc điểm: là một bãi tắm đẹp, còn nguyên sơ với những ghềnh đá và đồi thấp ăn thông ra biển.

* Mõm Bàn Than

- Địa điểm: Xã Tam Hải, huyện Núi Thành.
- Đặc điểm: nổi lên trên một dãi biển xanh, cát trắng là một vách đá đen như than.

* Hòn Kẽm Đá Dừng

- Địa điểm: là ranh giới huyện Quế Sơn và Hiệp Đức.
- Đặc điểm: cảnh sông núi hữu tình, trên vách núi có những dòng chữ cổ Chiêm Thành.

* Suối Tiên

- Địa điểm: Xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn.
- Đặc điểm: gồm 13 thác nước liên hoàn chảy qua vùng núi non hùng vĩ.

* Hồ Phú Ninh

- Địa điểm: cách thị xã Tam Kỳ 7 km về phía Tây.
- Đặc điểm: là công trình thủy lợi quy mô lớn, với 3.433 ha diện tích mặt nước và 23.000 ha rừng phòng hộ, cùng 30 đảo nhỏ và bán đảo xinh đẹp. Có hệ động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng, có cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, đặc biệt có nguồn nước khoáng thiên nhiên chứa hàm lượng khoáng chất và dinh dưỡng cao.

* Khu du lịch miệt vườn Cẩm Nam

- Địa điểm: Xã Cẩm Nam, thị xã Hội An.

- Đặc điểm: là một làng nhỏ được bồi lên bằng phù sa của con sông Hoài. Cẩm Nam nổi tiếng khắp vùng bởi món bắp luộc (ngô luộc) thơm ngọt và dẻo như nếp nương. Cẩm Nam còn nổi tiếng với nghề cào hến cùng cách chế biến món hến. Chẳng thế mà bà con địa phương còn gọi địa danh này bằng một cái tên dân dã là “Cồn Hến”

* Du lịch sinh thái Thuận Tình

- Địa điểm: Thị xã Hội An.
- Đặc điểm: là một ốc đảo nằm gần cửa biển Cửa Ðại, nơi sông Thu Bồn và Trường Giang gặp nhau trước khi đổ ra biển. Trên đảo có những ngôi nhà nghỉ bằng gỗ ẩn giữa rừng dừa nước bạt ngàn hướng ra sông.

* Khe Lim

- Địa điểm: Xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc.

* Làng hoa trái Đại Bường

- Địa điểm: Nằm về phía hữu ngạn sông Thu Bồn, cách Hội An khoảng 20km.

- Đặc điểm: là một ngôi làng trù phú với nhiều loại trái cây phong phú, ngon, cung cấp cho thành phố Đà Nẵng và Hội An.

Về di tích

* Di sản Văn hóa thế giới Hội An

- Địa điểm: nằm bên Cửa Đại, nơi con sông Thu Bồn đổ ra biển.
- Đặc điểm: Khu phố cổ Hội An là mẫu hình tiêu biểu về một cảng thị truyền thống Đông Nam Á trong giai đoạn thế kỷ XV - XIX. Cảng thị này có mầm móng sơ khai từ trước Công nguyên với nền văn hóa Sa Huỳnh được tiếp tục phát triển dưới thời Champs (thế kỷ II sau CN - thế kỷ XV) và cực thịnh trong thời Đại Việt, Đại Nam (thế kỷ XV - thế kỷ XIX). Tháng 12 năm 1999, UNESCO đã đưa tên Hội An vào danh mục Di sản văn hóa thế giới. Tính đến tháng 12 năm 1999, toàn thị xã Hội An có 1.360 di tích nằm ở 12 xã, phường. Trong đó, khu phố cổ là tâm điểm của Di sản văn hóa Hội An nằm trọn trong địa phận phường Minh An, diện tích khoảng 2km2.

* Một số địa điểm nổi tiếng ở Hội An:

+ Chùa Cầu

- Địa điểm: bắt ngang một con lạch nhỏ chảy ra sông Thu Bồn, nối giữa hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú.
- Đặc điểm: mái cầu lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu, một đầu có hai con khỉ đá, một đầu có hai con chó đá, phần giữa cầu có một ngôi chùa nhỏ.

+ Hội quán Quảng Đông

- Địa điểm: 176 Trần Phú, Hội An.
- Đặc điểm: do người Quảng Đông (Trung Quốc) sống ở Hội An xây dựng năm 1855, kiến trúc đồ sộ, bên trong còn giữ nhiều hiện vật quý

+ Hội quán Phước

- Địa điểm: 46 Trần Phú, Hội An.
- Đặc điểm: do người Phước Kiến (Trung Quốc) sống ở Hội An xây dựng năm 1759, là một công trình tráng lệ, tinh xảo và sâu lắng.

+ Miếu Quan Công

- Địa điểm: 24 Trần Phú, Hội An.
- Đặc điểm: một trong những công trình kiến trúc cổ tiêu biểu cho đô thị cổ Hội An. Xây dựng năm 1653 thờ Quan Công (Quan Vân Trường).

* Chùa Chúc Thánh

- Địa điểm: Phường Thổ Cẩm, thị xã Hội An.
- Đặc điểm: là nơi khai sinh ra chi phái Thiền Chúc Thánh của Thiền Lâm Tế, xây dựng vào cuối thế kỷ 17.

* Chùa Phước Lâm

- Địa điểm: Phường Cẩm Hà, thị xã Hội An.
- Đặc điểm: xây dựng vào cuối thế kỷ 17 theo phong cách Á Đông cổ.

* Kinh đô cổ của vương quốc Champa - Trà Kiệu

- Địa điểm: Xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên.
- Đặc điểm: Ra đời dưới triều vua Bhađvarman trị vì Chămpa vào khoảng cuối thế kỷ thứ IV.

* Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn

- Địa điểm: Xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên.

- Đặc điểm: là thánh địa Ấn Độ giáo của Vương quốc Chămpa. Có hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch đá, được xây dựng từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 13, dùng để thờ cúng. Khu Di tích này được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào tháng 12 năm 1999.

* Tháp Bằng An

- Địa điểm: Xã Điện An, huyện Điện Bàn.

- Đặc điểm: có niên đại khoảng cuối thế kỷ thứ 9, có hình dáng tựa như chiếc linga khổng lồ, tháp có hình bát giác mỗi cạnh rộng 4m, cao 21,5m.

* Tháp Chiên Đàn

- Địa điểm: Xã Tam An, thị xã Tam Kỳ.

- Đặc điểm: cụm 03 tháp Chàm có hình dạng giống nhau, nhưng chỉ có tháp ở giữa là còn nguyên vẹn. Tại khu vực còn có phòng trưng bày hiện vật Chămpa với nhiều bức phù điêu đặc sắc.

* Tháp Khương Mỹ

- Địa điểm: Xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành.

- Đặc điểm: cụm 03 tháp Chàm có hình dạng giống nhau theo trục Bắc - Nam theo kiểu truyền thống.

* Nhà thờ Trà Kiệu

- Địa điểm: Xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên.

- Đặc điểm: xây dựng từ năm 1722, trước cổng vào thánh đường có 02 con rồng dài 20m uốn lượn.

* Địa đạo Kỳ Anh

- Địa điểm: Xã Tam Thái, thị xã Tam Kỳ.

- Đặc điểm: dài 20km, sâu từ 1 đến 1,5m, xây dựng từ năm 1967, được dùng làm nơi trú ẩn, nuôi giấu cán bộ trong chiến tranh.

* Khu Di tích Cách mạng Khu ủy Khu V

- Địa điểm: Xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức.

- Đặc điểm: Là nơi chỉ đạo trực tiếp chiến dịch giải phóng Đà Nẵng và một số tỉnh trong khu vực miền Trung.

* Khu di tích Nước Oa

- Địa điểm: Xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My.

- Đặc điểm: là căn cứ địa cơ bản của cách mạng trong suốt hai cuộc kháng chiến.

* Di tích Núi Thành

- Địa điểm: Xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành.

- Đặc điểm: Đài chiến thắng ghi nhận chiến thắng mở đầu cho phong trào “tìm Mỹ mà đánh” trên toàn miền Nam.

* Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng

- Địa điểm: Xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước.

- Đặc điểm: Nhà lưu niệm của một chí sĩ yêu nước.

* Mộ Hoàng Diệu

- Địa điểm: Xã Điện Quang, huyện Điện Bàn.

- Đặc điểm: mộ của một công thần triều Nguyễn, đã hy sinh anh dũng để bảo vệ thành Hà Nội.

* Làng mộc Kim Bồng

- Địa điểm: Phường Cẩm Kim, thị xã Hội An,

- Đặc điểm: Làng nghề mộc cổ truyền.

* Làng gốm Thanh Hà

- Địa điểm: Phường Thanh Hà, thị xã Hội An.
- Đặc điểm: Làng nghề gốm cổ truyền.

* Làng đúc đồng Phước Kiều

- Địa điểm: Xã Điện Phương, huyện Điện Bàn. - Đặc điểm: Làng nghề đúc đồng cổ truyền.

* Làng trống Lâm Yên

- Địa điểm: Xã Ðại Minh, huyện Ðại Lộc.
- Đặc điểm: Làng nghề làm trống cổ truyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giới thiệu về tỉnh Quảng Nam
POWERED BY ONEPORTAL - A PRODUCT OF NEKO