Trong khuôn khổ chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, Báo cáo thường niên chuyển đổi số 2021: Rào cản và nhu cầu chuyển đổi số đã được công bố ngày 22/12/2021 bởi Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ kế hoạch và Đầu tư). Qua kết quả khảo sát cũng như qua phỏng vấn chuyên sâu khi xây dựng Lộ trình chuyển đổi số cho một số doanh nghiệp Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận diện có 04 hạn chế, khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.
Hạn chế về nguồn tài chính triển khai chuyển đổi số:
Các dự án chuyển đổi số có thể tốn nhiều chi phí đầu tư, trong khi năng lực tài chính của các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV còn khá hạn chế. Chi phí triển khai chuyển đổi số không chỉ bao gồm chi phí đầu tư thêm các công nghệ số, mà có thể phát sinh thêm các chi phí như:
Chi phí thay đổi quy trình, đào tạo nhân sự để thích ứng với quy trình mới;
- Chi phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin: Việc phải triển khai một số hệ thống công nghệ thông tin sẽ dẫn tới việc tăng đầu tư và các chi phí vận hành hệ thống công nghệ thông tin; trong nhiều trường hợp, thách thức sẽ lớn hơn nếu phải thay đổi, xóa bỏ các hệ thống truyền thống.
- Chi phí trong việc xây dựng hệ thống, đảm bảo an ninh, an toàn và phòng chống rủi ro: So với các mô hình kinh doanh truyền thống thì việc chuyển đổi số, áp dụng nhiều công nghệ, lưu trữ và phân tích dữ liệu sẽ dẫn tới việc cần thiết phải bảo vệ an ninh, an toàn dữ liệu của các hệ thống.
- Việc phải trang bị, đầu tư mà chưa nhìn rõ kết quả, lợi ích của chuyển đổi số trong tương lai là một thách thức rất lớn để các chủ doanh nghiệp quyết định đầu tư ngân sách cho chuyển đổi số.
Thách thức trong thay đổi, điều chỉnh văn hóa tổ chức:
Các dự án chuyển đổi số có thể tác động đến mô hình hoạt động của doanh nghiệp, các quy trình, hoạt động cụ thể và có thể tác động đến cơ cấu tổ chức, nhân sự và văn hóa của doanh nghiệp, thói quen và cách làm việc.
Doanh nghiệp cần phải sẵn sàng để có những điều chỉnh cần thiết và phù hợp. Đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đây không phải là khó khăn quá lớn. Nhưng đối với doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, cơ cấu tổ chức phức tạp với nhiều phòng ban, bộ phận và nhiều cấp quản lý thì đây là một rào cản rất lớn. Điều đó khiến việc tích cực truyền thông, đào tạo về chuyển đổi số trong các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn là điều cần thiết.
Hạn chế về nhận thức, năng lực triển khai:
Với rất nhiều doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm về ứng dụng, khai thác công nghệ thì việc quyết định thực hiện chuyển đổi số như thế nào, lựa chọn các giải pháp nào là một rào cản rất lớn. Chuyển đổi số nếu chỉ trong kế hoạch mà không có nhân lực phù hợp triển khai thì cũng thành vô nghĩa. Để dẫn dắt, triển khai được chuyển đổi số, nhân sự thường phải có kiến thức và kinh nghiệm về cả kinh doanh và công nghệ, được sự tin tưởng của cả bộ máy lãnh đạo. Các doanh nghiệp quy mô càng lớn thì thách thức này càng khó khăn, phức tạp.
Hạn chế về thông tin các giải pháp chuyển đổi số:
Hiện nay, các giải pháp số trên thị trường của các nhà cung cấp trong nước và quốc tế rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, để xác định được đâu là giải pháp phù hợp với điều kiện, nhu cầu của cơ sở sản xuất kinh doanh không phải là đơn giản, nhất là các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, cần các giải pháp công nghệ phức tạp và tốn kém chi phí.
Hầu hết các doanh nghiệp quyết định lựa chọn mua giải pháp thông qua tư vấn của các nhà cung cấp giải pháp công nghệ và đôi khi chưa khách quan và phù hợp nhất với cơ sở sản xuất kinh doanh. Qua trao đổi, phỏng vấn chuyên sâu với các doanh nghiệp, các nhu cầu sau được các doanh nghiệp phản ánh khi triển khai chuyển đổi số:
- Cần có các cơ quan, tổ chức đóng vai trò như một kênh độc lập để đánh giá khách quan ưu, nhược điểm của các giải pháp công nghệ để các cơ sở sản xuất kinh doanh có đủ thông tin về các giải pháp công nghệ số để quyết định lựa chọn. Đồng thời, đây cũng là những thông tin hữu ích để hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp giải pháp hoàn thiện các giải pháp của mình.
- Cung cấp đầy đủ thông tin, minh bạch và phân tích cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong quá trình chuyển đổi số về tất cả các khía cạnh trong chuyển đổi số (về tính sẵn sàng, hiệu quả của giải pháp kinh doanh số, phân tích các công nghệ số, rủi ro, kinh phí đầu tư, v.v.).
- Nghiên cứu các ví dụ thành công điển hình để lan tỏa, truyền cảm hứng, chia sẻ.