Chiều ngày 16/7, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá việc triển khai công tác chuyển đổi số (CĐS) và Đề án 06. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì hội nghị.
Đến nay, UBND tỉnh đã Phê duyệt Danh mục dịch vụ công (DVC) trực tuyến gồm 1189 DVC toàn trình và 578 DVC một phần trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; đồng thời đã tích hợp 1248 DVC trực tuyến vào Cổng DVC quốc gia.
Tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên Cổng DVC ngày càng được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là 11 DVC thiết yếu của lực lượng Công an chủ trì, nhiều thủ tục có tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt 100%.
Công an tỉnh đã chủ trì tham mưu thực hiện hiệu quả việc khai thác ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân (CCCD), định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh trên các lĩnh vực: ngân hàng, y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội, thuế và nhiều lĩnh vực khác; đẩy mạnh triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt như: chi trả an sinh xã hội, chi trả lương hưu, bảo hiểm xã hội, thanh toán học phí, viện phí thuế…
Đến nay, nhân rộng 100% các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng CCCD gắn chip; kết quả rà soát tại các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ quét mã Qr Code CCCD thành công đạt 99,52%. Toàn tỉnh đã có 303/303 (chiếm tỷ lệ 100%) cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng CCCD.
Đẩy mạnh việc triển khai chi trả trợ cấp qua tài khoản trong lĩnh vực an sinh xã hội; chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Đến nay đã cơ bản hoàn thành việc rà soát đối tượng được hưởng ASXH (đạt 97%); mở tài khoản cho 102.557 đối tượng (62,4%); tiến hành chi trả qua tài khoản cho 57,581 đối tượng (34,83%); đã chi trả qua tài khoản cho 19.098/ 36.295 người được hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (đạt tỷ lệ 52,62%).
Các ngân hàng trên địa bàn đã tích cực phối hợp với các đơn vị chấp nhận thanh toán (đơn vị cung ứng điện, nước, dịch vụ viễn thông, trang thương mại điện tử, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng mua sắm, thực hiện các chương trình khuyến mại, quảng bá dịch vụ, tri ân khách hàng như: miễn giảm phí dịch vụ thanh toán; tặng quà, hoàn tiền, giảm giá hàng hóa dịch vụ, tặng điểm thưởng,...cho khách hàng thực hiện thanh toán hóa đơn, chi trả tiền mua hàng hóa, dịch vụ bằng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt qua ứng dụng trên điện thoại di động, thanh toán qua mã QR, trích nợ tự động,...
Tập trung triển khai Luật Căn cước với các hoạt động tuyên truyền Luật Căn cước 2023 (trọng tâm vào những điểm mới của Luật Căn cước; sinh trắc học mống mắt và tính ưu việt của Luật Căn cước; thẻ căn cước; giấy chứng nhận căn cước; mẫu thẻ căn cước Bộ Công an in, phát hành; quy trình thu nhận hồ sơ cấp căn cước, giấy chứng nhận căn cước... Duy trì công tác tạo lập, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân đủ điều kiện và đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”.
Tại hội nghị, một số sở, ngành, địa phương đã nêu lên những vướng mắc, tồn tại trong quá trình triển khai CĐS và Đề án 06 như: Đối với nhóm tiện ích phục vụ giải quyết TTHC và cung cấp DVC trực tuyến, công an tỉnh cho biết, VNeID là tài khoản duy nhất đăng nhập vào cổng DVC từ ngày 01/7/2024, khó khăn trong việc nâng cao tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến; đối với nhưng người dân chưa có tài khoản định danh do các nguyên nhân như: không có sim chính chủ, không dùng thiết bị thông minh… dẫn đến không thể phát sinh hồ sơ DVC trực tuyến.
Chưa có hướng dẫn số hóa dữ liệu gốc hồ sơ đất đai; dữ liệu đất đai qua các thời kỳ thiếu đồng bộ, một số địa phương mất hồ sơ gốc, nên số hóa hồ sơ đất đai rất phức tạp.
Một bộ phận người dân, đặc biệt là tại các huyện miền núi, người dân chưa thay đổi thói quen làm việc trên môi trường điện tử, trình độ công nghệ thông tin của người dân và trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, sai lệch thông tin cá nhân trong các hệ thống, đặc biệt là vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…Bên cạnh đó, về hạ tầng, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực tại địa phương chưa đáp ứng yêu cầu thực tế trong quá trình triển khai thực hiện.
Một số sở, ngành, địa phương còn chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực nắm bắt các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể của Đề án 06…
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhấn mạnh, CĐS và Đề án 06 là những nhiệm vụ lớn, cần quyết tâm, làm quyết liệt hơn nữa. Đây là nhiệm vụ mang khối lượng công việc lớn, liên quan đến cơ sở dữ liệu đồng bộ, do đó, từng sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung, phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện với tinh thần vướng ở đâu, xử lý dứt điểm ở đó.
Đối với các địa phương cần triển khai, báo cáo và kiến nghị các văn bản chỉ đạo của tỉnh, trung ương về CĐS và Đề án 06. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân ứng dụng các tiện ích của CĐS, Đề án 06 mang lại.
Các sở, ban, ngành và địa phương phải xác định rõ nhiệm vụ, tập trung rà soát làm rõ các mặt tồn tại, hạn chế, các điểm nghẽn thuộc thẩm quyền nào giải quyết báo cáo kịp thời để có hướng khắc phục tránh chung chung hình thức.
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần có giải pháp linh hoạt thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, lĩnh vực phụ trách, tất cả hướng đến việc tạo thuận tiện, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp…