Thông tư số 170/2018/TT-BQP ngày 16 tháng 12 năm 2018 của Bộ Quốc Phòng hướng dẫn một số điều Nghị định số 102/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/07/2018 quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài.
Thông tư này hướng dẫn về đối tượng và điều kiện áp dụng; chế độ hỗ trợ và cách tính hưởng; hồ sơ giải quyết chế độ hỗ trợ; phương thức chi trả chế độ hỗ trợ và cấp “Giấy chứng nhận”; trách nhiệm tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định tại Nghị định số 102/2018/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài (sau đây viết tắt là Nghị định số 102/2018/NĐ-CP).
Đối tượng và điều kiện áp dụng
Thực hiện theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 102/2018/NĐ-CP. Trong đó, điều kiện về địa bàn, thời gian, đơn vị quy định tại điểm c khoản 2 và khoản 3 Điều 2 Nghị định số 102/2018/NĐ-CP, được thực hiện như sau:
Các xã giáp ranh bên bờ Bắc sông Bến Hải trên vĩ tuyến 17, gồm 07 xã: Vĩnh Giang, Vĩnh Quang, Vĩnh Thành, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Ô, Vĩnh Hà và các xã nằm trong khu phi quân sự, gồm 05 xã: Vĩnh Tân, Vĩnh Thạch, Vĩnh Hòa, Vĩnh Hiền, Vĩnh Thủy thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Địa bàn, thời gian, đơn vị trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế thực hiện theo Quyết định số 2084/QĐ-BTTM ngày 09 tháng 11 năm 2012 của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành kèm theo Danh mục địa bàn, thời gian, đơn vị trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế sau ngày 30 tháng 4 năm 1975; Quyết định số 1377/QĐ-TM ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành kèm theo Danh mục bổ sung địa bàn, thời gian, đơn vị trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 và kết quả giải mã ký hiệu, phiên hiệu các đơn vị tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế do Bộ Quốc phòng ban hành.
Chế độ hỗ trợ và cách tính hưởng
1. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 102/2018/NĐ-CP, được thực hiện như sau:
a) Đối với người có công với cách mạng bị dừng hưởng chế độ (bao gồm cả thân nhân liệt sĩ, nhưng không thuộc đối tượng hướng dẫn tại điểm c khoản này) còn sống, chế độ hỗ trợ được tính từ (tháng, năm) bị dừng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp đến (tháng, năm) có quyết định hỗ trợ của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi trực tiếp quản lý, chi trả chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng trước khi đối tượng định cư ở nước ngoài.
Trường hợp, đối tượng đã được hưởng chế độ hỗ trợ nêu trên, sau đó từ trần thì thân nhân đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định số 102/2018/NĐ-CP tiếp tục được hưởng chế độ hỗ trợ; thời gian tính hưởng chế độ hỗ trợ lần này được tính từ tháng sau liền kề (tháng, năm) có quyết định hưởng chế độ hỗ trợ lần trước đến thời điểm (tháng, năm) đối tượng từ trần.
Ví dụ 1: Ông Nguyễn Văn Bốn, đã được cấp có thẩm quyền của Việt Nam quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp hằng tháng với tỷ lệ thương tật 33%. Tháng 6 năm 1979, do hoạch định biên giới Quốc gia, ông Bốn định cư ở nước ngoài, bị dừng hưởng chế độ trợ cấp thương binh hằng tháng từ tháng 7 năm 1979. Giả sử tháng 10 năm 2019, được Ủy ban nhân dân tỉnh nơi trực tiếp quản lý và chi trả chế độ trợ cấp thương binh hằng tháng trước khi ông Bốn định cư ở nước ngoài ký Quyết định hỗ trợ. Cách tính hưởng chế độ hỗ trợ đối với ông Bốn như sau:
- Thời gian được tính hưởng chế độ: Tháng 10 năm 2019 - tháng 7 năm 1979 = 40 năm 04 tháng = 484 tháng.
- Giả sử mức trợ cấp thương tật 33%, được chuyển đổi tương ứng tại thời điểm tháng 10 năm 2019 là 1.700.000 đồng/tháng. Mức hỗ trợ đối với ông Bốn là:
1.700.000 đồng/tháng x 484 tháng = 822.800.000 đồng.
Ví dụ 2: Cũng trường hợp ông Bốn nêu ở ví dụ 1, đã hưởng chế độ hỗ trợ tháng 10 năm 2019, sau đó, đến tháng 10 năm 2020 ông Bốn từ trần. Giả sử tháng 12 năm 2020, được Ủy ban nhân dân tỉnh (nơi thực hiện chế độ hỗ trợ khi còn sống), ký Quyết định hỗ trợ đối với thân nhân ông Bốn. Cách tính hưởng chế độ hỗ trợ lần này được thực hiện như sau:
- Thời gian tính hưởng chế độ hỗ trợ: Tháng 10 năm 2020 - tháng 11 năm 2019 = 12 tháng.
- Giả sử mức trợ cấp thương tật 33%, được chuyển đổi tương ứng tại thời điểm tháng 12 năm 2020 là 1.800.000 đồng/tháng. Mức hỗ trợ đối với thân nhân ông Bốn là:
1.800.000 đ/tháng x 12 tháng = 21.600.000 đồng.
b) Đối với đối tượng đã từ trần thì thân nhân đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định số 102/2018/NĐ-CP được hưởng chế độ hỗ trợ tính từ (tháng, năm) bị dừng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp đến (tháng, năm) đối tượng từ trần.
Ví dụ 3: Cũng trường hợp ông Bốn nêu ở ví dụ 1, nhưng đã từ trần tháng 8 năm 2010. Giả sử tháng 10 năm 2019, được Ủy ban nhân dân tỉnh nơi trực tiếp quản lý và chi trả chế độ trợ cấp thương binh hằng tháng trước khi ông Bổn định cư ở nước ngoài ký Quyết định hỗ trợ. Cách tính hưởng chế độ hỗ trợ đối với thân nhân ông Bốn như sau:
- Thời gian tính hưởng chế độ hỗ trợ: Tháng 8 năm 2010 - tháng 7 năm 1979 = 31 năm 02 tháng = 374 tháng.
- Mức hỗ trợ đối với thân nhân ông Bốn là:
1.700.000 đồng/tháng x 374 tháng = 635.800.000 đồng.
c) Con đẻ, con nuôi hợp pháp của liệt sĩ được hưởng chế độ hỗ trợ tính từ thời điểm (tháng, năm) bị dừng hưởng chế độ trợ cấp đến tháng liền kề trước tháng sinh của năm đủ 18 tuổi. Trường hợp đối tượng từ trần trước thời điểm đủ 18 tuổi thì chế độ hỗ trợ được tính từ (tháng, năm) bị dừng hưởng chế độ trợ cấp đến (tháng, năm) đối tượng từ trần.
Ví dụ 4: Ông Trần Quốc Hùng, sinh tháng 7 năm 1975 là con đẻ của liệt sĩ đã được cấp có thẩm quyền của Việt Nam quyết định cấp giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ và trợ cấp tuất hằng tháng. Tháng 6 năm 1979, do hoạch định biên giới Quốc gia, ông Hùng định cư ở nước ngoài, bị dừng hưởng chế độ trợ cấp tuất hằng tháng từ tháng 7 năm 1979. Theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, ông Hùng được hưởng trợ cấp hằng tháng đến tháng liền kề trước tháng sinh của năm đủ 18 tuổi (tháng 6/1993). Giả sử tháng 9 năm 2019, ông Hùng được Ủy ban nhân dân tỉnh nơi trực tiếp quản lý và chi trả chế độ trước khi ông Hùng định cư ở nước ngoài ký Quyết định hỗ trợ. Cách tính hưởng chế độ hỗ trợ của ông Hùng như sau:
- Thời gian được tính hưởng chế độ: Tháng 6 năm 1993 - tháng 7 năm 1979 = 14 năm = 168 tháng.
- Giả sử mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với con liệt sĩ, được chuyển đổi tương ứng tại thời điểm tháng 9 năm 2019 là 1.600.000 đồng/tháng. Mức hỗ trợ đối với ông Hùng là:
1.600.000 đồng/tháng x 168 tháng = 268.800.000 đồng.
2. Đối tượng quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 2 Nghị định số 102/2018/NĐ-CP, được thực hiện như sau:
a) Có từ đủ 2 năm công tác thực tế trở xuống, được hưởng chế độ hỗ trợ bằng 4.000.000 đồng.
Ví dụ 5: Bà Trần Thị H, từ năm 2004 đến nay đi định cư ở nước ngoài; khi ở trong nước bà H là dân quân được huyện M tổ chức tập trung làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong chiến tranh phá hoại ở miền Bắc như sau: Đợt 1 từ tháng 10 năm 1965 đến tháng 12 năm 1965 (3 tháng), đợt 2 từ tháng 8 năm 1967 đến tháng 11 năm 1967 (4 tháng); trước khi đi định cư ở nước ngoài, bà H không thuộc đối tượng được hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hằng tháng. Chế độ hỗ trợ đối với bà H được tính như sau:
- Thời gian 02 đợt tham gia dân quân tập trung được tính hưởng chế độ hỗ trợ là:
3 tháng + 4 tháng = 7 tháng.
- Mức hỗ trợ bà H được hưởng là: 4.000.000 đồng.
b) Có trên 2 năm công tác thực tế thì từ năm thứ 3 trở đi mỗi năm được cộng thêm 1.500.000 đồng, mức hỗ trợ được tính theo công thức sau:
Mức hỗ trợ = 4.000.000 đồng + [(số năm được hưởng - 2 năm) x 1.500.000 đồng].
Ví dụ 6: Ông Trần Văn Sáu, nhập ngũ tháng 02 năm 1972; phục viên, xuất ngũ tháng 5 năm 1977; tái ngũ tháng 7 năm 1978 đến tháng 10 năm 1989 phục viên đi lao động hợp tác quốc tế, sau đó định cư ở nước ngoài. Chế độ hỗ trợ đối với ông Sáu được tính như sau:
- Thời gian công tác thực tế trong Quân đội lần thứ nhất từ tháng 02 năm 1972 đến tháng 5 năm 1977 (5 năm 4 tháng); lần thứ hai từ tháng 7 năm 1978 đến tháng 10 năm 1989 (11 năm 4 tháng).
Tổng thời gian công tác thực tế trong Quân đội được tính hưởng chế độ là:
5 năm 4 tháng + 11 năm 4 tháng = 16 năm 8 tháng, được tính bằng 17 năm.
- Mức hỗ trợ ông Sáu được hưởng là:
4.000.000 đồng + [(17 năm - 2 năm) x 1.500.000 đồng] = 26.500.000 đồng.
Ví dụ 7: Ông Nguyễn Văn Đồng là quân nhân, chiến đấu tại biên giới phía Bắc (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn tháng 4/1979), nhập ngũ tháng 5 năm 1975, xuất ngũ tháng 7 năm 1989; tháng 10 năm 2005, ông Đồng đi định cư ở nước ngoài đến nay; trước khi đi định cư ở nước ngoài ông Đồng không thuộc đối tượng được hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hằng tháng. Chế độ hỗ trợ đối với ông Đồng được tính như sau:
- Thời gian công tác trong Quân đội được tính hưởng chế độ là 14 năm 3 tháng, được tính bằng 14,5 năm.
- Mức hỗ trợ ông Đồng được hưởng là:
4.000.000 đồng + [(14, 5 năm - 2 năm) x 1.500.000 đồng] = 22.750.000 đồng.
Ví dụ 8: Bà Nguyễn Thị K là dân quân được huyện M tổ chức tập trung làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong chiến tranh phá hoại ở miền Bắc từ tháng 8 năm 1965 đến tháng 11 năm 1965 (4 tháng); sau đó nhập ngũ vào Quân đội từ tháng 5 năm 1969 đến tháng 10 năm 1971 xuất ngũ về địa phương (02 năm 6 tháng); từ tháng 3 năm 2002 đến nay định cư ở nước ngoài. Chế độ hỗ trợ đối với bà K được tính như sau:
- Thời gian thực tế tham gia dân quân tập trung và thời gian công tác trong Quân đội được tính hưởng chế độ hỗ trợ là: 4 tháng + 02 năm 6 tháng = 2 năm 10 tháng, được tính bằng 03 năm.
- Mức hỗ trợ bà K được hưởng là:
4.000.000 đồng + [(3 năm - 2 năm) x 1.500.000 đồng] = 5.500.000 đồng.
c) Trường hợp đã từ trần trước ngày 05 tháng 9 năm 2018 (ngày Nghị định số 102/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) thì thân nhân đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định số 102/2018/NĐ-CP, được hỗ trợ bằng 6.000.000 đồng. Nếu từ trần kể từ ngày 05 tháng 9 năm 2018 trở đi thì mức hưởng chế độ hỗ trợ được thực hiện như cách tính tại điểm a, điểm b khoản này.
Ví dụ 9: Cũng trường hợp ông Đồng nêu ở ví dụ 7, nhưng đã từ trần ngày 04 tháng 9 năm 2018 (trước ngày Nghị định số 102/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành), thân nhân ông Đồng được hưởng hỗ trợ bằng 6.000.000 đồng.
Ví dụ 10: Cũng trường hợp ông Đồng nêu ở ví dụ 7, nhưng đã từ trần ngày 06 tháng 9 năm 2018 (sau ngày Nghị định số 102/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành), thân nhân ông Đồng được hưởng chế độ hỗ trợ bằng 22.750.000 đồng (cách tính chế độ hỗ trợ như ở ví dụ 7).
3. Trường hợp đối tượng quy định tại khoản 1, đồng thời thuộc đối tượng quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 2 Nghị định số 102/2018/NĐ-CP thì được hưởng cả chế độ hỗ trợ hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Ví dụ 11: Trường hợp ông Bốn nêu ở ví dụ 1; đồng thời là quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhập ngũ tháng 5/1968, xuất ngũ tháng 4/1972 (có tổng thời gian công tác thực tế trong Quân đội là 04 năm). Chế độ hỗ trợ đối với ông Bốn được tính như sau:
- Mức hỗ trợ đối với thương binh, tỷ lệ thương tật 33%: 822.800.000 đồng.
- Mức hỗ trợ đối với thời gian là quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước là: 4.000.000 đồng + [(4 năm - 2 năm) x 1.500.000 đồng] = 7.000.000 đồng.
Tổng mức hỗ trợ ông Bốn được hưởng là: 822.800.000 đồng + 7.000.000 đồng = 829.800.000 đồng.