Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh vừa ban hành công văn đề nghị các Sở, ngành, địa phương tiếp tục chủ động ứng phó mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, các biện pháp ứng phó với lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy và tăng cường các biện pháp phòng tránh tai nạn, đuối nước.
Căn cứ bản tin dự báo khí tượng thủy văn hạn mùa số KTHM-02/17h00/QNAM ngày 15/4/2023 của Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Nam, từ nay đến tháng 9/2023 dông xuất hiện với tần suất nhiều và cường độ mạnh dần ở các địa phương trong tỉnh, các địa phương cần đề phòng: lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh trong cơn dông.
Để chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai như trên và đồng thời tăng cường các biện pháp phòng tránh tai nạn, đuối nước trong mùa cao điểm kết hợp với các nguy cơ rủi ro do mưa lớn cục bộ có thể gây ra; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh kính đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các địa phương, cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện các nội dung sau:
Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, lượng mưa tại website https://www.vrain.vn (tên đăng nhập: quangnam, pass:123456) hoặc App Vrain trên ứng dụng thoại để chủ động nắm diễn biến mưa trên địa bàn phục vụ ứng phó với thiên tai và quan tâm tiếp tục thực hiện các Văn bản của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh: Công văn số: 112/BCHPCTT&TKCN ngày 28/4/2022 về tăng cường các giải pháp phòng, tránh tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh; Công văn số 79/BCHPCTT&TKCN ngày 29/3/2023, Công văn số 96/BCHPCTT&TKCN ngày 24/4/2023 về việc chủ động các biện pháp ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Rà soát, tổ chức kiểm tra các khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét, những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn, trên các sông, suối, hồ chứa nước ... để chủ động kịp thời các phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo:
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phòng, tránh tai nạn, đuối nước đối với Nhân dân, khách du lịch, học sinh, sinh viên trên địa bàn và các tổ chức, chủ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh các loại hình du lịch dã ngoại, văn hóa, thể thao; Rà soát, cảnh báo (cắm biển báo, bố trí người thường trực tại các khu vực có nguy cơ) hoặc có giải pháp để loại bỏ những rủi ro, hiểm họa dẫn tới các nguy cơ tai nạn, rủi ro; Hướng dẫn, phổ biến quy trình, kỹ năng xử lý tình huống tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn...
Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý chấp hành pháp luật về đảm bảo an toàn, tìm kiếm cứu nạn của tổ chức, chủ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh các hoạt động dịch vụ, văn hóa thể thao, du lịch và vui chơi giải trí. Kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn, hoạt động tự phát, không phép hoặc khi xuất hiện hình thái thời tiết nguy hiểm.
Các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện: Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát tại các khu vực hồ chứa trong phạm vi quản lý; nghiêm cấm, ngăn chặn kịp thời các hoạt động du lịch, dã ngoại, câu cá,... tự phát trong khu vực hồ chứa để tránh xảy ra tai nạn, đuối nước; chủ động phối hợp với các lực lượng địa phương sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra tình huống tai nạn, đuối nước tại các hồ chứa quản lý.