Tỉnh Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền. Tỉnh đã phân cấp, ủy quyền được 144 thủ tục hành chính, chiếm 55% tổng số thủ tục thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Quảng Nam.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhưng tỉnh Quảng Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng kinh tế hơn 5%. Quảng Nam xếp vị trí thứ 31/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 2 khu vực vùng kinh tế trọng điểm miền Trung về tốc độ tăng trưởng, thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch. Đó là nền tảng quan trọng để Quảng Nam tiếp tục vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, xã hội trong năm 2022.
Trao đổi với phóng viên VOV nhân dịp đầu năm mới về những giải pháp sắp tới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục tích cực phòng, chống dịch bệnh hiệu quả nhất nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo cho các yêu cầu về phát triển kinh tế- xã hội trên các ngành, lĩnh vực, nhất là lĩnh vực công nghiệp.
PV: Thưa ông, năm 2021, dịch bệnh Covid-19 kéo dài, gây nhiều khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Trong bối cảnh đó, tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực vượt khó và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ông có thể thông tin những kết quả nổi bật nhất của tỉnh trong năm qua?
Ông Lê Trí Thanh: Trong bối cảnh vô cùng khó khăn của năm 2021 nhưng Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Quảng Nam đã có sự đồng thuận rất lớn. Dù có gặp nhiều khó khăn nhất định nhưng nhìn chung tất cả các mặt phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng… đều đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng 5,04%, tuy không đạt so với yêu cầu nhưng đó là sự nỗ lực rất lớn so với các địa phương khác trên cả nước.
PV: Quảng Nam xếp vị trí thứ 31/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 2 khu vực vùng kinh tế trọng điểm miền Trung về tốc độ tăng trưởng; thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch... Để có được những kết quả ấn tượng này, tỉnh Quảng Nam đã tập trung thực hiện những giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?
Ông Lê Trí Thanh: Năm 2021, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện nhiều giải pháp then chốt.
Thứ nhất, tỉnh đã rất linh hoạt, chủ động, quyết liệt trong công tác phòng chống dịch bệnh, không làm đứt gãy sản xuất, hỗ trợ cho các ngành sản xuất liên tục phát triển cho dù dịch bệnh có xảy ra trên địa bàn. Đối với ngành công nghiệp, tỉnh đã tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp chủ lực phát triển tại các khu công nghiệp. Do đó, việc duy trì sản xuất, giải quyết việc làm và đóng góp ngân sách của các doanh nghiệp lớn ở khối công nghiệp vẫn được duy trì rất tốt.
Trong lĩnh vực du lịch, mặc dù có nhiều khó khăn làm suy giảm nguồn thu, tuy nhiên Quảng Nam vẫn tạo điều kiện cho các khu du lịch tham gia đón khách nước ngoài và đón khách từ các vùng dịch về để cách ly có thu phí. Phát triển thêm các loại hình du lịch khác mang tính an toàn, thân thiện, hướng vào các dòng khách nội địa.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh chủ động trong phòng tránh thiên tai, tổ chức chuyển đổi cây trồng, tổ chức sản xuất theo hướng thông minh, an toàn. Ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền. Tỉnh đã phân cấp, ủy quyền được 144 thủ tục hành chính, chiếm 55% tổng số thủ tục thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Quảng Nam.
PV: Năm 2022, tỉnh Quảng Nam xây dựng và thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nào để có thể thích ứng linh hoạt, an toàn trong trạng thái mới hiện nay?
Ông Lê Trí Thanh: Tình hình dịch bệnh Covid-19 có khả năng vẫn còn diễn biến phức tạp trong năm 2022. Tuy nhiên, Quảng Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh gắn với phục hồi và phát triển kinh tế. Tỷ lệ tiêm vaccine đã tăng đáng kể. Phương án về thích ứng an toàn, linh hoạt đã được Quảng Nam triển khai khá tốt trong thời gian qua. Năm 2022, nhất là giai đoạn 6 tháng đầu năm, phải tích cực phòng, chống dịch bệnh hiệu quả nhất nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo cho các yêu cầu về phát triển kinh tế- xã hội trên các ngành, lĩnh vực. Nhất là lĩnh vực công nghiệp, đây là lĩnh vực vừa giải quyết lao động vừa đóng góp nguồn thu rất lớn cho ngân sách nên phải nỗ lực tối đa để bảo toàn các hoạt động sản xuất công nghiệp. Phải chú trọng vấn đề nhân lực, nguyên liệu tại địa phương để doanh nghiệp giảm thiểu nhập khẩu nguyên liệu từ bên ngoài. Tập trung phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để doanh nghiệp chủ động sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước.
Thứ hai, trong lĩnh vực du lịch, năm 2022, Quảng Nam sẽ đăng cai tổ chức năm Du lịch Quốc gia. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đó là tín hiệu tốt, là cơ hội để ngành du lịch tỉnh Quảng Nam phục hồi.
Trong phát triển nông nghiệp phải dự lường trước những ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, để tập trung chỉ đạo ngay từ đầu. Phải có hướng phát triển nông nghiệp một cách bền vững, đáp ứng được nền tảng về phát triển nông nghiệp – nông thôn.
Ngoài ra, cần tích cực phối hợp với các bộ, ngành để triển khai những chương trình đột phá như đã đăng ký với Chính phủ. Đặc biệt là phát triển hệ thống cảng biển nước sâu, phát triển sân bay Chu Lai, khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Nam Giang… Thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.
PV: Năm 2022, tỉnh Quảng Nam đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia. Vậy, tỉnh Quảng Nam đã chuẩn bị những kịch bản nào để tổ chức Năm Du lịch quốc gia trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường?
Ông Lê Trí Thanh: Chúng ta đã có những quy định về thích ứng an toàn. Quảng Nam đã chuẩn bị hai phương án, một là có thể kiểm soát tốt dịch bệnh trong 6 tháng đầu năm 2022; hai là tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp sẽ tác động xấu đến ngành du lịch cả nước nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng. Quảng Nam sẽ có những gói sản phẩm du lịch riêng để hướng vào khách quốc tế, và khách nội địa tùy theo từng mốc thời gian. Phải làm sao đó để các hoạt động phát triển du lịch phải đúng với slogan đặt ra đó là “điểm đến du lịch xanh”.
PV: Xin cảm ơn ông./.