Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Chương trình OCOP: Khẳng định giá trị thương hiệu sản phẩm đặc trưng xứ Quảng

TH 22/12/2023 19:32

Chiều ngày 22/12, Sở NN&PTNT Quảng Nam tổ chức hội nghị đánh giá triển khai Chương trình OCOP từ năm 2018 đến nay, định hướng phát triển Chương trình trong thời gian đến. Đây là dịp để các ngành chức năng liên quan và các địa phương cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cũng như tìm giải pháp để phát triển sản phẩm OCOP.

 

Quang cảnh hội nghị.

Qua 06 năm triển khai thực hiện, chương trình OCOP Quảng Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Từ 2018 đến nay, toàn tỉnh có 395 sản phẩm được công nhận hạng OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, sản phẩm đạt hạng 04 sao: 61 sản phẩm, sản phẩm đạt hạng 03 sao: 334 sản phẩm. Ở nhóm thực phẩm có 293 sản phẩm; đồ uống: 32 sản phẩm; dược liệu và sản phẩm từ dược liệu: 23 sản phẩm; thủ công mỹ nghệ: 45 sản phẩm; dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch: 02 sản phẩm. 

Những địa phương đứng đầu về số lượng sản phẩm OCOP được công nhận 3-4 sao qua 06 năm gồm: huyện Tiên Phước, huyện Thăng Bình, huyện Đại Lộc và thành phố Tam Kỳ. Chương trình đã thu hút được 314 chủ thể của các tổ chức kinh tế khác nhau tham gia, trong đó hộ sản xuất kinh doanh chiếm số lượng lớn với 157 chủ thể (chiếm tỷ lệ 50%), Hợp tác xã 107 chủ thể (chiếm tỷ lệ 34%), doanh nghiệp và tổ hợp tác 50 chủ thể (chiếm tỷ lệ 16%).

Có thể khẳng định, thông qua Chương trình OCOP đã tạo động lực, sức sáng tạo, giúp người sản xuất đổi mới tư duy trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, sản xuất theo đúng các quy định của nhà nước, từ đó, các sản phẩm tham gia chương trình này khi được công nhận đạt sao không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn thu hút người tiêu dùng cả nước, được phân phối rộng rãi ở các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch giúp kinh tế nông thôn từng bước phát triển. Từ việc đẩy mạnh triển khai chương trình OCOP, các sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương đã dần được khẳng định thương hiệu, nâng cao chất lượng và được nhiều người biết đến, hướng đến xuất khẩu.

Các sản phẩm OCOP Quảng Nam đang dần khẳng định giá trị thương hiệu.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngay từ khi triển khai, Chương trình OCOP đã được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân; sức lan tỏa ngày càng lớn, thể hiện qua việc sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm sau luôn cao hơn năm trước. Các chủ thể tham gia Chương trình OCOP ngày càng mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất mới, tiên tiến phục vụ sản xuất; chất lượng sản phẩm dần được nâng cao; trong đó, khâu an toàn, vệ sinh thực phẩm được chú trọng; mẫu mã, bao bì, nhãn mác được cải tiến; việc đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại được thực hiện tốt; công tác củng cố, phát triển các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP được thực hiện; số việc làm được tạo ra nhiều hơn; doanh thu, lợi nhuận bình quân của chủ thể được gia tăng hơn so với trước khi tham gia Chương trình. Mặc dù, tình hình kinh tế nhìn chung gặp nhiều khó khăn nhưng Quảng Nam là một trong số các tỉnh đã tích cực tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình OCOP từ năm 2018 đến nay một cách rõ rệt.

 

Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương đã góp phần đưa sản phẩm OCOP Quảng Nam mở rộng thị trường.

Trong giai đoạn 2018-2023, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình OCOP Quảng Nam là hơn 70 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các ngành, địa phương đã triển khai nhiều chính sách, hoạt động hỗ trợ phát, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP. Trong đó, hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương được thực hiện thường xuyên, liên tục tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, tại các tỉnh trong nước và nước ngoài. Hoạt động đã giúp các Chủ thể có cơ hội trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP tại nhiều sự kiện như: Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam - Techfest, Hội nghị tổng kết Chương trình OCOP tại Hà Hội; Hội thảo góp ý Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 tổ chức tại tỉnh Kiên Giang; Lễ hội người Mông lần thứ III tổ chức tại tỉnh Lai Châu, Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất - Quảng Nam 2022; Hội chợ quốc tế Hành lang kinh tế Đông Tây do Đà Nẵng tổ chức; Chương trình Ngày hội sản phẩm Quảng Nam tại tỉnh Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, TP Hà Hội; Chương trình tổ chức Đoàn tham gia Chương trình XTTM, quảng bá sản phẩm OCOP Quảng Nam tại Trung Quốc...

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi quy trình triển khai, công tác tư vấn, hướng dẫn, đánh giá sản phẩm, xúc tiến thương mại. Đưa ra những vấn đề, giải pháp thu hút nhà đầu tư, các chủ thể tham gia chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị cho các sản phẩm OCOP. Đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Và đặc biệt làm rõ quan điểm phát triển Chương trình OCOP theo hướng nâng cao giá trị cho các sản phẩm địa phương, đặc sản địa phương, đối tượng thực hiện là những chủ thể: Hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa…

(0) bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chương trình OCOP: Khẳng định giá trị thương hiệu sản phẩm đặc trưng xứ Quảng
POWERED BY ONEPORTAL - A PRODUCT OF NEKO