(QNP)- Sáng ngày 16/1, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; triển khai Cuộc vận động trong thời gian đến. Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Lê Trí Thanh cho biết: Đây là cuộc vận động quan trọng, ý nghĩa trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng; cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt, trong khi nền sản xuất kinh tế Việt Nam còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên với sự hỗ trợ quan tâm của Trung ương, Tỉnh ủy, sự đồng lòng tham gia của các doanh nghiệp, nhân dân đã góp phần giúp Cuộc vận động đạt nhiều kết quả.
Sau 15 năm triển khai Cuộc vận động, bước đầu thay đổi được nhận thức và hành vi trong xã hội về ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam nói chung và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh nói riêng; giúp người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam, tỷ lệ người dân dùng hàng Việt Nam tăng; các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thị trường trong nước, từ đó chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất, phương thức kinh doanh và xây dựng, phát triển, bảo vệ thương hiệu, hàng hóa Việt ngày càng được cải thiện cả về chất lượng, mẫu mã và giá thành hợp lý, được người tiêu dùng quan tâm lựa chọn và tin dùng.
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, Sở Công thương đã chủ trì, tổ chức 50 hội chợ và 20 phiên chợ hàng Việt trên địa bàn tỉnh, thu hút gần 750 nghìn lượt khách tham quan, mua sắm với tổng doanh thu trên 198 tỷ đồng.
Đến nay, toàn tỉnh cũng đã xây dựng 07 chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn; triển khai phối hợp với Bưu điện tỉnh, Viettel hỗ trợ các chủ thể đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử với 350 sản phẩm.
Tổ chức các khóa tập huấn cho gần 500 cán bộ HTX nhằm tạo điều kiện cho các HTX phát triển hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm. Hỗ trợ hàng trăm lượt HTX tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, kết nối giao thương. Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, các kiến thức về liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, về sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân, các chủ thể sản phẩm OCOP; đồng thời hướng dẫn xây dựng, bảo hộ thương hiệu sản phẩm, mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng chỉ dẫn địa lý, thiết lập mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói
Quan tâm đẩy mạnh thực hiện phong trào khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; ngày càng có nhiều mô hình khởi nghiệp được hình thành và phát huy hiệu quả kinh tế; các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cũng đã được các cấp chính quyền, các ngành quan tâm triển khai bài bản và phong phú. Đến nay, đã tổ chức được 08 lần Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo, Tuần lễ khởi nghiệp sáng tạo - TechFest Quảng Nam, đã thu hút hàng nghìn gian hàng trưng bày, giới thiệu ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu ở trong và ngoài tỉnh đến với bà con Nhân dân toàn tỉnh. Qua đó, đã tạo động lực và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân, văn hóa khởi nghiệp, hướng đến xây dựng sản phẩm chất lượng phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ, góp phần tăng thu nhập và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tại hội nghị, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng đã chỉ ra những mặt hạn chế của việc đưa sản phẩm Việt Nam ra cạnh tranh thị trường, nhất là trong thời buổi công nghệ số, bán hàng online…gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nhìn nhận thẳng thắn về những hạn chế của những sản phẩm địa phương của tỉnh Quảng Nam nói riêng, ông Hường Văn Minh- Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Chưa bàn đến chất lượng, đa số mẫu mã, tem nhãn các mặt hàng nhìn chung còn thiếu sự phong phú, chưa có sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng.
Ông Trần Văn Noa- Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: OCOP Quảng Nam có nhiều sản phẩm chất lượng cao, tuy nhiên khi đưa ra thị trường, sức cạnh tranh vẫn hạn chế so với các sản phẩm tương tự với các tỉnh bạn. Nguyên nhân chủ yếu do mẫu mã, quy cách đóng gói sản phẩm chưa thu hút, không có điểm nhấn. Ông Noa cũng cho biết thêm, Chi cục đang xây dựng kế hoạch phát triển OCOP 2026-2030, khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng lẫn số lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Là một trong những doanh nghiệp có tâm huyết với việc đẩy mạnh, phát triển hàng Việt trên thị trường, bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ chia sẻ: Trong thời gian, hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Co.opMart Tam Kỳ đã triển khai nhiều chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng Việt Nam về các vùng nông thôn, miền núi. Bà Lai cho biết thêm, hiện tại Co.opMart Tam Kỳ kinh doanh 25.000 sản phẩm, trong đó tỷ lệ hàng Việt hơn 95%. Theo bà Lai, để tạo chỗ đứng trên thị trường cho sản phẩm Việt, thì trước hết cần duy trì chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã; giá cả phù hợp với mức thu nhập của người Việt.
Nhấn mạnh ý nghĩa, vai trò của Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị các Sở, ngành, đơn vị, địa phương cũng như sự vào cuộc của các doanh nghiệp, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động, để người Việt Nam sản xuất hàng Việt Nam, tiêu thụ hàng Việt Nam. Tăng cường công tác thông tin truyền thông qua nhiều kênh, với phương thức đa dạng, phong phú; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; chú trọng kênh bán hàng online, phù hợp với xu thế thương mại điện tử; đề xuất các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp...
"Hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt, ngoài thể hiện sự tự tôn dân tộc còn là trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước"- Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.