Gần 8 năm nay, hình ảnh ông già ngày ngày cần mẫn đẩy chiếc xe tự chế đi nhặt rác ở khu vực biển Cửa Đại (Hội An) đã trở nên quen thuộc với người dân và du khách nơi đây. Chẳng cần thù lao hay khen thưởng ông vẫn âm thầm với công việc của mình để làm đẹp cho phố cổ. Ông được bà con phố Hội gọi với cái tên dễ thương: “Ông già rác”.
Đó là ông Nguyễn Thương (64 tuổi), trú tại khối phố Phước Trạch, phường Cửa Đại, TP. Hội An, Quảng Nam. Ông Thương được bà con phố Hội gọi với cái tên dễ thương: “Ông già rác”.
Một ngày của ông Thương bắt đầu từ 5h sáng. Khi thành phố còn ngái ngủ thì người cựu binh già với dáng người gầy gò, làn da đen sạm đã hì hục đẩy chiếc xe tự chế len lỏi khắp các tuyến phố, bờ biển để nhặt rác.
Ông thường xuyên vào tận nhà bỏ rác giúp những người già neo đơn, hay dọn dẹp trường học miễn phí.
Chia sẻ về cơ duyên đến với công việc “bao đồng” này, ông Thương kể, khoảng 9 năm trước, khi đang làm đầu bếp tại một khách sạn ở Hội An thì ông bất ngờ gục ngã vì căn bệnh tai biến quái ác. Khi tỉnh lại thì tai của ông đã không còn nghe được, tay chân bị tê liệt. Ông nằm viện gần nửa năm nhưng bệnh không có gì tiến triển, gia đình đành đưa ông về nhà để chăm sóc.
“Lúc đó, ai cũng nghĩ tôi không thể đi được nữa, nhưng tôi cố gắng luyện tập để cải thiện sức khỏe. Ban đầu đi cứ té lên té xuống, nhưng đi nhiều thì cũng khỏe người, bệnh tật nó bắt đầu thuyên giảm”, ông Thương nhớ lại.
Đi lại được rồi, ông Thương trăn trở phải làm việc gì đó để trả ơn cuộc đời. Trong những lần đi tập thể dục, thấy những túi nylon, khẩu trang bị vứt bừa bãi dọc đường nên ông nảy ra ý tưởng vừa đi tập thể dục, vừa nhặt rác để bảo vệ môi trường.
Lúc mới bắt đầu công việc, có những người cảm thấy rất khó hiểu khi thấy ông lang thang để nhặt rác, có người còn cáu gắt khi bị ông nhắc nhở về việc xả rác, họ coi ông là “khùng”, là rảnh việc, tuổi già không lo an thân còn đi làm những chuyện "rỗi hơi". Vợ con cũng ra sức ngăn cản, nhưng ông nhất quyết không chịu. Sau thời gian thuyết phục đủ đường, gia đình dần hiểu tâm ý của ông và chấp nhận để ông trả chữ nghĩa cho đời. Những định kiến, sự dè bỉu từ mọi người xung quanh cũng dần tan biến.
Cứ thế, gần 8 năm nay, trừ những lúc ốm đau thì dù ngày nắng hay mưa, ông Thương lại rong ruổi khắp các cung đường, ngõ ngách để nhặt rác. Hễ ở đâu có rác ở đó lại có dấu chân ông. Nhiều khi ông còn vào tận những nhà có các cụ già hay trường học để giúp họ dọn dẹp, sửa sang nhà cửa... mà không lấy một đồng thù lao nào.
Đặc biệt, với số tiền dành dụm từ việc nhặt ve chai, ông Thương đã “đầu tư” hẳn 2 chiếc xe. Một chiếc xe đẩy, một chiếc xe đạp. Từ đó, hai chiếc xe trở thành bạn đồng hành với ông trên mỗi chuyến đi nhặt rác không lương làm sạch phố cổ.
“Bữa nào khỏe thì tôi xe đẩy, còn ngày nào mệt thì đi xe đạp. Chỉ hôm nào trở trời, nhức đầu sợ tai biến tái phát thì tôi mới ở nhà thôi. Ngày nào mà không đi nhặt rác, cảm giác thiếu thiếu gì đó, ngứa ngáy chân tay và vô vị lắm. Vác tù và hàng tổng mà vui”, ông Thương cười hiền nói.
Trên chiếc xe đẩy rác, ông Thương còn dán rất nhiều dòng chữ mà mình muốn truyền tải: "Vì tương lai con em chúng ta, hãy chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp", "Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn", "Hãy bảo vệ môi trường, không sử dụng túi nylon, không vứt túi nylon ra nơi công cộng". Những thông điệp này đều hoàn toàn do ông Thương nghĩ ra, là lời kêu gọi, nhắc nhở mọi người cùng chung tay để bảo vệ môi trường.
Tấm gương bảo vệ môi trường
Bây giờ hình ảnh người đàn ông gầy gò nhưng có khuôn mặt hiền lành, ngày ngày nhặt rác làm đẹp cho phố cổ đã trở nên quen thuộc. Suy nghĩ, cái nhìn của người dân phố cổ về ông Thương cũng đã khác. Mọi người hiểu chuyện nên càng trân quý ông hơn. Đến nay, hầu hết người dân sinh sống tại các tuyến đường mà hằng ngày chiếc xe chở rác của ông Thương lăn bánh qua cũng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định, đường phố ngày càng sạch sẽ hơn.
Đặc biệt, còn có một nhóm sinh viên của Đại học Đà Nẵng vì cảm phục hành động của ông cũng tình nguyện tham gia nhặt rác với ông. Thế là, hàng tuần cứ vào cuối tuần nhóm sinh viên này lại từ Đà Nẵng vào Hội An để cùng ông rong ruổi khắp các con hẻm, bờ biển để nhặt rác, làm sạch môi trường.
Hiện, dư chấn của căn bệnh tai biến vẫn còn đó, một tai của ông Thương bị điếc, tai còn lại chỉ có thể nghe được khi mang máy trợ thính. Nhưng chiếc máy này cũng đã cũ mèm và sụt sùi như chính sức khoẻ của ông vậy. Để duy trì sức khỏe, mỗi tháng gia đình phải chi hơn một triệu đồng tiền thuốc men. Thế nhưng, khi nhận được đề nghị hỗ trợ từ UBND phường cho việc nhặt rác, ông Thương lại nhất quyết từ chối. Bởi, với ông, đây là việc nghĩa mà ông đã hứa với lòng mình nên sẽ làm cho đến hết cuộc đời, chứ không nhận hỗ trợ của bất cứ ai. Khi xã hội cần, ông luôn tự nguyện cho đi thứ mình có và không mong mong được trả ơn.
"Tôi già rồi, ngồi không ở nhà mãi cũng chán, thấy đường phố, bãi biển nhiều rác bẩn, mất vệ sinh quá nên tiện tay dọn thôi. Nhìn đường phố sạch đẹp là tôi vui rồi chứ không mong đợi được trợ cấp hay khen thưởng chi hết. Còn sức thì tôi còn cống hiến, để Hội An của mình đẹp hơn, để mọi người cùng hưởng bầu không khí trong lành.
Tôi sẽ làm công việc không công này cho đến khi nào đôi chân không đi nổi, tay không nhặt được rác nữa mới thôi", ông Thương cười phúc hậu nói.
Cảm phục với hành động đẹp của “ông già rác”, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An đã gọi ông Thương là người hùng của phố cổ. Việc làm của ông Thương xứng đáng là tấm gương để mọi người noi theo.