Một cựu chiến binh người dân tộc Xê Đăng sống tại xã Trà Linh huyện vùng núi cao Nam Trà My đã tặng cây sâm giống Ngọc Linh cho hộ nghèo cùng thôn, giúp bà con có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Ông tên là Hồ Văn Bim, sinh năm 1978 hiện sống tại làng Tăk Xanh thuộc thôn 3 xã Trà Linh.
Ở ngôi làng Tắk Xanh thuộc thôn 3 xã Trà Linh huyện Nam Trà My có một cựu chiến binh người Xê Đăng luôn biết sống yêu thương, giúp đỡ dân làng, nhất là giúp các hộ gia đình khó khăn biết chăm chỉ làm ăn, vươn lên thoát nghèo để xây dựng cuộc sống ấm no.
Từng đi bộ đội, sau khi xuất ngũ, ông Bim về lại quê hương, làm cán bộ xã Trà Linh một thời gian thì xin nghỉ để tập trung phát triển kinh tế gia đình, trong đó chủ yếu là trồng và phát triển cây sâm Ngọc Linh quý hiếm.
Nhờ chú tâm làm ăn nên hiện nay cuộc sống của gia đình ông Hồ Văn Bim đã không còn nghèo khó như trước đây, nhà cửa được dựng xây khang trang, con cái được học cái chữ ổn định.
Sau khi chăm lo cuộc sống gia đình, ông Bim nhận thấy trong làng vẫn còn nhiều hộ gia đình cuộc sống còn quá gian khó nên mới đây đã bàn với vợ và tự nguyện trao tặng sâm giống cho 22 hộ dân thuộc diện khó khăn tại làng Tăk Xanh. Mỗi hộ được nhận từ 2 đến 5 cây giống loại 1 và 2 tuổi.
Hiện nay mỗi cây sâm giống 1 tuổi có giá bán hơn 300 ngàn đồng, loại 2 tuổi có giá bán khoảng 600 ngàn đồng. Mục đích tặng sâm giống là để các hộ khó khăn cùng nhau phát triển cây sâm Ngọc Linh, tạo ra nguồn giống nhân rộng để tăng thu nhập, nhanh chóng thoát nghèo.
“Thông qua việc làm này, tôi mong muốn có thể khuyến khích bà con cố gắng vượt khó, làm giàu trên quê hương mình, đoàn kết để cùng nhau phát triển cây sâm quý hiếm” – ông Bim nói.
Ông Hồ Văn Bim sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng. Bố mẹ đều là bệnh binh. Nhờ phấn đấu làm ăn, nhiều năm qua ông đã trồng hàng ngàn cây sâm Ngọc Linh, đến nay gia đình ông đã vươn lên khá giả. Ông cũng được tuyên dương là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Theo ông Hồ Văn Dang – Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh cho biết thì việc tặng sâm trên địa bàn xã đã xuất hiện cách đây từ gần 10 năm, thường vào các dịp dựng nhà mới, sinh nhật con cháu, có thành viên mới nhập vào nhóm trồng sâm, hoặc tặng các cháu bé mới sinh ra...
“Việc tặng sâm giống cho bà con của ông Bim được Cấp ủy, Chính quyền xã rất ủng hộ. Chúng tôi cũng khuyến khích các hộ khá giả trên tinh thần tự nguyện có thể chia sẻ sâm giống cho các hộ khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm làm giàu, để không ai bị bỏ lại phía sau” – Ông Dang nói.
Không chỉ tặng sâm mà ở xã Trà Linh còn có hình thức trả công lao động hằng ngày bằng sâm thay vì trả tiền. Bình quân 1 ngày công lao động sẽ được trả từ 1 đến 2 cây sâm giống 1 tuổi.
Hiện nay trên địa bàn xã Trà Linh huyện Nam Trà My đa phần bà con đồng bào Xê Đăng đều tập trung trồng sâm dưới tán rừng để thoát nghèo. Thậm chí có nhiều hộ đã dựng nhà biệt thự kiên cố hàng chục tỷ đồng, mua sắm ô tô tiền tỉ để đi lại thuận tiện. Nhờ cây sâm Ngọc Linh nên cuộc sống nhân dân bây giờ đã đổi thay rất nhiều. Trà Linh tuy là xã xa xôi nhất huyện Nam Trà My nhưng xét về điều kiện dân sinh thì đây là địa phương dẫn đầu.