Ngày 26/12, UBND tỉnh có Tờ trình báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương tổ chức Lễ hội Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) cấp quốc gia lần thứ nhất năm 2023.
Tờ trình của UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng “Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045”, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã triển khai các hoạt động từ tháng 4/2022 đến 10/2022 và đã có Tờ trình số 7271/TTr-BNN-TCLN ngày 28/10/2022 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045; theo đó một trong những nội dung của Chương trình là “ Xây dựng phát triển thương hiệu, quảng bá thị trường, xúc tiến thương mại”, gồm các hoạt động chủ yếu: Hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm Sâm Việt Nam trong nước và quốc tế; Xây dựng 3 trung tâm triển lãm giới thiệu các sản phẩm Sâm; hình thành được làng du lịch cộng đồng, tổ chức các lễ hội Sâm để quảng bá nét đặc sắc về văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; Tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm Sâm Việt Nam trong nước và quốc tế.
Về phía tỉnh Quảng Nam, sản phẩm Sâm Ngọc Linh được đưa vào giới thiệu và tiêu thụ trong các phiên chợ hằng tháng tại huyện Nam Trà My; Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU về phương hướng nhiệm vụ năm 2023, trong đó đã xác định nhiệm vụ Tổ chức chuỗi hoạt động Lễ hội Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) cấp quốc gia lần thứ I năm 2023 là hết sức cần thiết và có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Để đánh dấu sự kiện Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045 sắp đến và quảng bá hình ảnh, giá trị cây Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) và các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam và các tỉnh bạn đến bạn bè trong nước và quốc tế; UBND tỉnh Quảng Nam báo cáo và đề nghị Thủ tướng thống nhất chủ trương tổ chức Lễ hội Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) cấp quốc gia lần thứ nhất năm 2023.
Sâm Ngọc Linh là loài cây đặc hữu, quý hiếm, phân bố hẹp, có giá trị kinh tế cao; được xem là “Quốc bảo” của Việt Nam do có giá trị dược liệu vượt trội so với các loài sâm khác trên thế giới thuộc chi Panax.