Sáng nay 7/9, Sở Khoa học & Công nghệ phối hợp với Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng tổ chức hội thảo (lần 2) đề xuất giải pháp ứng phó ngập lụt TP.Tam Kỳ và vùng phụ cận thuộc đề tài: Đánh giá diễn biến ngập lụt và đề xuất giải pháp ứng phó ngập lụt TP.Tam Kỳ trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu”. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu.
Theo PGS-TS. Nguyễn Chí Công (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) chủ nhiệm đề tài thì nguyên nhân dẫn đến ngập lụt ở TP. Tam Kỳ là do mưa lớn cực đoan, khi có lũ lớn trên sông Bàn Thạch dâng cao tấn công vào khu vực nội đô gây ngập lụt, lưu lượng từ lưu vực phân khu 2 đổ vào hệ thống thoát nước thành phố qua cống Nguyễn Dục và kênh hồ Duy Tân là quá lớn, gây quá tải cho năng lực thoát nước nội đô và không thoát kịp ra sông Bàn Thạch.
Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu đề tài đã đưa ra các giải pháp nạo vét sông Bàn Thạch và sông Tam Kỳ nhằm tăng khả năng tiêu thoát lũ và hạ thấp mực nước lũ trên sông Bàn Thạch. Kiểm soát lượng nước phía Tây (phân khu 2) đổ vào thành phố nhằm giảm áp lực nước đổ vào hệ thống thoát nước nội đô. Phân lũ từ sông Bàn Thạch sang sông Trường Giang nhằm tăng khả năng tiêu thoát lũ và hạ thấp mực nước lũ trên sông Bàn Thạch.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đề tài còn đề xuất giải pháp phi công trình, gồm: hồ Phú Ninh tham gia cắt lũ giảm ngập cho thành phố là giải pháp quan trọng nhất, đồng thời cần bảo vệ hành lang thoát lũ và duy trì những vùng trữ nước tự nhiên trong vùng, trong khu vực nội thị cần áp dụng hạ tầng xanh kết hợp chỉnh trang quy hoạch các phân khu và nạo vét khơi thông dòng chảy hệ thống thoát nước, trên các tiểu lưu vực sông Bàn Thạch cần bảo vệ và trồng rừng.
Cùng với đó, giải pháp dự báo ngập là một bộ công cụ mô phỏng đã được thiết lập cho lưu vực sông và đô thị Tam Kỳ, việc sử dụng dữ liệu dự báo (mưa, triều) trước 48 giờ để dự báo ngập lụt cho TP. Tam Kỳ và vùng phụ cận là rất hiệu quả trong công tác chủ động phòng chống ngập lụt hàng năm.