Tin tức

Đoàn công tác tỉnh Quảng Nam kết thúc tốt đẹp chuyến thăm, động viên quân – dân các đảo thuộc Trường Sa và nhà giàn DK1

QTI 16/04/2025 15:17

(QNP) - Tỉnh Quảng Nam đã thành lập Đoàn công tác gồm 10 đồng chí do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh làm trưởng đoàn vừa có chuyến thăm, động viên quân – dân các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

Doan Quang Nam chup hinh luu niem tai Truong Sa
Đoàn công tác tỉnh Quảng Nam thăm đảo Trường Sa.

Chuyến hải trình kéo dài 07 ngày, từ ngày 07/4 đến ngày 14/4/2025, do Chuẩn đô đốc Nguyễn Thiên Quân, Tư lệnh vùng 3 Hải Quân làm trưởng đoàn và 300 đại biểu đến từ 14 cơ quan, đơn vị trong cả nước.

Đoàn công tác đến thăm và làm việc ở 03 đảo nổi (Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa lớn), 03 đảo chìm (Đá Thị, Cô Lin, Đá Tây C) và 01 cụm Dịch vụ Kinh tế - Khoa học - Kỹ thuật được xây dựng dưới dạng nhà giàn (gọi tắt là Nhà giàn DKI/17) thuộc khu bãi cạn Phúc Tần, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Đoàn đã tham dự đầy đủ các hoạt động do Đoàn công tác số 8 tổ chức. Trong đó, nổi bật là dự lễ chào cờ Đảo Trường Sa lớn, dự lễ đặt vòng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Trường Sa lớn; dự lễ dâng hương, thả vòng hoa tưởng niệm, tri ân 64 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma (tại cụm đảo Cô Lin – Len Đao – Gạc Ma); dâng hương tại Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn tại đảo Song Tử Tây.

Tuong nho chien si Gac ma
Lễ dâng hương, thả vòng hoa tưởng niệm, tri ân 64 liệt sỹ đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma.

Tại mỗi điểm đến, Đoàn nghe lãnh đạo, chỉ huy các đảo, điểm đảo, Nhà giàn báo cáo tình hình sinh hoạt, đời sống của người dân và kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và bày tỏ quyết tâm, niềm tin trong xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tang qua cho dao Song tu tay
Đoàn công tác tỉnh Quảng Nam tặng quà tại đảo Song Tử Tây.

Thay mặt cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Nam, Đoàn đã trao quà của tỉnh gồm 300.000.000 đồng góp phần xây dựng các công trình trên đảo; 400.000.000 đồng (trong đó huyện Núi Thành: 200.000.000 đồng) được trao trực tiếp cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên 03 đảo nổi, 03 đảo chìm và Nhà giàn DKI/17; gặp gỡ trực tiếp và trao quà 13 cán bộ, chiến sĩ là người Quảng Nam đang thực hiện nhiệm vụ trên các đảo với số tiền 13.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, Đoàn Quảng Nam phối hợp với Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức chương trình văn nghệ vào tối 12/4/2025 có nhiều tiết mục đặc sắc, trong đó có bài thơ “Oai hùng người Hải Quân Việt Nam” của đồng chí Dương Văn Phước được nhạc sĩ Trần Quang Hưng, Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Việt Bắc tỉnh Thái Nguyên (cũng thành viên trong đoàn công tác số 8) phổ nhạc và được các thành viên trong đoàn trình bày tại đêm giao lưu có tiếng vang lớn. Đoàn công tác số 8 trên tàu Kiểm ngư 390 cũng phát động cuộc thi: “Biển, Đảo tổ quốc và Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng”, 100% thành viên đoàn tỉnh Quảng Nam tham gia và đã đạt 1 giải nhì (đồng chí Nguyễn Công Thanh), 1 giải khuyến khích (đồng chí Nguyễn Thanh Hồng).

Kết thúc chuyến đi, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải Quân đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo” cho đồng chí Nguyễn Công Thanh- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và trao Huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa” cho tất cả thành viên trong Đoàn.

Chuyến thăm Trường Sa mang ý nghĩa, thông điệp lớn lao, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là hoạt động thể hiện tinh thần trách nhiệm, tình cảm của Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung đối với quân và dân trên huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DKI; đồng thời, là dịp động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân nơi hải đảo, yên tâm gắn bó với biển, đảo, trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió.

Thông qua chuyến công tác giúp tăng cường tình đoàn kết, mối quan hệ gắn bó giữa cán bộ, Nhân dân tỉnh Quảng Nam với cán bộ, chiến sĩ Nhân dân huyện đảo và Nhà giàn. Đây cũng là dịp tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo; động viên cán bộ, chiến sĩ chắc tay súng, hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc giao phó. Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, định hướng, tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.

Một số hình ảnh về chuyến thăm quần đảo Trường Sa

Tang qua dao sinh ton
Đoàn công tác tỉnh Quảng Nam tặng quà tại đảo Sinh Tồn.
Tang qua dao Colin
Đoàn công tác tỉnh Quảng Nam tặng quà Cô Lin.
Tang qua cho dao Da Tay C
Đoàn công tác tỉnh Quảng Nam tặng quà tại đảo Đá Tây C.
Tang qua cho con em Quang nam cong tac tai dao
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tặng quà cho con em người Quảng Nam đang công tác tại quần đảo Trường Sa.
Truong doan viet luu niem tai dao Sinh ton
Đồng chí Nguyễn Công Thanh thay mặt Đoàn công tác tỉnh Quảng Nam viết sổ lưu niệm tại đảo Sinh Tồn.

Tổng quan về quần đảo Trường Sa

Quần đảo Trường Sa nằm giữa biển Đông về phía Đông Nam nước ta, phía Bắc là quần đảo Hoàng Sa, phía Đông giáp biển Philippines, phía Nam giáp biển Malaysia, Brunei và Indonesia. Quần đảo Trường Sa có trên 100 hòn đảo nhỏ và bãi san hô, với diện tích vùng biển rộng khoảng 150.000 km2, nằm rải rác trong phạm vi biển, khoảng từ vĩ tuyến 6030’ đến 12000’ Bắc và khoảng từ kinh tuyến 111030’ đến 117020' Đông.

Quần đảo được chia làm 08 cụm đảo gồm: Song Tử, Loại Ta, Thị Tứ, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên. Nhìn chung, các đảo thuộc quần đảo Trường Sa có diện tích nhỏ, trong đó đảo Ba Bình là đảo rộng nhất; về độ cao của các đảo (so với mặt nước biển trung bình) khoảng từ 3m - 5m; cao nhất là đảo Song Tử Tây, khoảng từ 4m - 6m (lúc thủy triều xuống). Ngoài ra, còn có nhiều đảo nhỏ và bãi đá ngầm như: Sinh Tồn Đông, Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Ken Nan, Đá Lớn, Thuyền Chài. Một số đảo có mạch nước ngầm, có thể tạo ra các giếng nước ngọt như: Song Tử Tây, Song Tử Đông, Trường Sa...

Đảo Trường Sa (thị trấn Trường Sa) là Trung tâm hành chính của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, trên đảo có các công trình như: Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Tượng đài liệt sỹ, Nhà đèn, nhà dân, Trung tâm y tế, chùa, trạm khí tượng thủy văn…

Ngoài các đảo trên, Việt Nam đã xây dựng các nhà giàn DKI, mỗi nhà giàn là một trạm Dịch vụ Kinh tế - Khoa học - Kỹ thuật. Nhiệm vụ của các nhà giàn là lập các đèn biển để thông báo cho tàu thuyền đánh cá và vận tải hàng hải đi lại trong vùng; đặt trạm nghiên cứu khí tượng thủy văn; làm nơi tránh, trú bão và ứng cứu ngư dân... Nhiệm vụ quan trọng nhất của DKI là chốt giữ, bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, bảo vệ bình yên cho việc khai thác tài nguyên nơi thềm lục địa.

Quần đảo Trường Sa có vị trí đặc biệt quan trọng, án ngữ đường hàng hải quốc tế nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương; có lưu lượng tàu thuyền tấp nập vào hàng thứ hai thế giới. Trung bình mỗi ngày có từ 250 đến 300 tàu biển các loại đi qua Biển Đông, trong đó có khoảng 20% tàu lớn trọng tải trên 30.000 tấn.

Từ nhiều thế kỷ nay, Việt Nam là quốc gia đầu tiên phát hiện, quản lý và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa một cách liên tục, hòa bình, là Vùng lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam đã thành lập tổ chức hành chính nhà nước (cấp huyện), Nhân dân Việt Nam đã sinh sống trên một số đảo, hình thành các xã đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Đặc biệt, trên các đảo Trường Sa, Song Tử Tây, Việt Nam có Đài khí tượng hoạt động thường xuyên và được quốc tế công nhận trong mạng lưới Quan trắc khí tượng thế giới.

(0) bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đoàn công tác tỉnh Quảng Nam kết thúc tốt đẹp chuyến thăm, động viên quân – dân các đảo thuộc Trường Sa và nhà giàn DK1
POWERED BY ONEPORTAL - A PRODUCT OF NEKO
EMC Đã kết nối EMC