Ngày 21/2, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân độ Nhân dân), Trưởng đoàn cứu hộ, cứu nạn của Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ, đã chia sẻ với phóng viên TTXVN có mặt tại Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ) về nhiệm vụ này cùng những kinh nghiệm đúc rút được.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cho biết khi đến địa bàn tác nghiệp, đoàn đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời và thiết thực của chính quyền sở tại và nhanh chóng triển khai công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân trong đống đổ nát. Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ nêu rõ đây là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng và Quân đội Nhân dân Việt Nam cử lực lượng và phương tiện ra khỏi lãnh thổ tham gia hỗ trợ nhân đạo, làm nhiệm vụ ứng phó với thảm họa động đất. Tuy nhiên, các thành viên đều đã trải qua quá trình huấn luyện, diễn tập và xử lý những tình huống trong nước ở quy mô nhỏ, vì thế đã áp dụng rất hiệu quả vào thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cho biết đoàn đã phối hợp sử dụng chó nghiệp vụ, radar quan sát tìm bằng hình ảnh, âm thanh và hệ thống radar xuyên tường, cho kết quả rất tốt. Các đội cứu hộ địa phương và quốc tế cùng người dân sở đánh giá cao công tác tổ chức chỉ huy, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ hiệu quả trên thực địa của đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ chia sẻ thông qua thực hiện công tác hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ, đoàn đã rút ra được những kinh nghiệm thiết thực, trước hết là cho từng cá nhân trong từng bộ phận, từng lực lượng. Thứ nhất, cần bổ sung, phát triển thêm lý luận để quá trình huấn luyện, diễn tập sát thực tiễn nhất, phòng khi xảy ra tình huống tương tự thì hiệu quả xử lý sẽ cao hơn. Thứ hai là kinh nghiệm về công tác tổ chức, chỉ huy điều hành lực lượng xuyên suốt từ trên xuống dưới, thời cơ sử dụng lực lượng, thời cơ sử dụng phương tiện và sự phối hợp hiệp đồng với các lực lượng tại chỗ. Thứ ba là kinh nghiệm về công tác tham mưu chiến lược, xây dựng và tổ chức lực lượng, đầu tư trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng xử lý các tình huống thiên tai, thảm họa quy mô lớn trong nước.
Theo Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, đây cũng chính là tiền đề để Việt Nam đưa lực lượng, phương tiện ra nước ngoài làm nhiệm vụ tương tự như ở Thổ Nhĩ Kỳ đạt hiệu quả tốt hơn. Trên cơ sở những kinh nghiệm cơ bản này, Việt Nam vận dụng vào quá trình huấn luyện, đào tạo, diễn tập ở trong nước để nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, điều hành của người chỉ huy và rèn luyện khả năng cơ động, ý chí quyết tâm của lực lượng cứu hộ, cứu nạn không ngại gian khổ và không sợ nguy hiểm.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ nhấn mạnh bằng mệnh lệnh của trái tim, đoàn cứu hộ, cứu nạn Quân đội Nhân dân Việt Nam quyết tâm hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Bộ trưởng Phan Văn Giang đã nêu rõ sau những nỗ lực trong thời gian qua, lực lượng cứu hộ càng phải cố gắng và quyết tâm cao hơn nữa. Theo Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, đây chính là động lực để lực lượng cứu hộ cứu nạn của Quân đội Nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ đạt hiệu quả thiết thực tại Thổ Nhĩ Kỳ.