Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc tại Quảng Nam về các Chương trình mục tiêu quốc gia

Nguyễn Trà 21/07/2023 14:44

Sáng nay 21/7, Bà Nguyễn Thuý Anh-Uỷ viên Trung ương Đảng - Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cùng Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội đã có buổi làm việc với Quảng Nam về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” để lấy ý kiến hoàn thiện báo cáo giám sát. Tiếp và làm việc với đoàn có có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn.

Đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực của Quảng Nam trong thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh.

Với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị các cấp và sự đồng thuận, chung tay góp sức của Nhân dân trong thực hiện các Chương trình MTQG; bộ mặt nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam đã thay đổi đáng kể có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực, kết cấu hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư, nâng cấp; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, nhiều mô hình sản xuất, mô hình liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng cao, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Theo báo cáo tại cuộc làm việc, trong giai đoạn 2021 - 2025 Quảng Nam dự kiến đầu tư hơn 6.251 tỷ đồng để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia nêu trên. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 117/193 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM), chiếm tỷ lệ 60,62%. Trong 2 năm 2021 và 2022, Quảng Nam giảm thêm 7.137 hộ nghèo, vượt 2.137 hộ so với kế hoạch đề ra…

Tuy nhiên, qua triển khai đã gặp nhiều khó khăn như, nguồn lực trung ương bố trí cho Chương trình vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của các địa phương. Trong các xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025, phần lớn thuộc các xã đặt biệt khó khăn của Chương trình. Các xã vùng sâu, vùng xa có địa bàn rộng, mật độ dân cư thưa thớt và phân bố rải rác; do đó, rất khó khăn trong đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi,... Người dân chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao nên việc huy động nguồn lực để thực hiện Chương trình gặp khó khăn, chủ yếu dựa vào sự đầu tư, hỗ trợ từ Nhà nước…

Tỉnh Quảng Nam kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành sớm có hướng dẫn thực hiện đánh giá các tiêu chí NTM cấp xã, huyện đối với các nội dung nâng cao, kiểu mẫu để tạo điều kiện cho địa phương tổ chức đánh giá, xét công nhận đạt chuẩn NTM. Cạnh đó, các bộ, ngành cần hướng dẫn rõ nội dung không chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung giữa các chương trình mục tiêu quốc gia để tỉnh có điều kiện xây dựng cơ chế lồng ghép. Đồng thời, hướng dẫn sử dụng mã số các chương trình mục tiêu quốc gia khi lồng ghép nguồn các chương trình vào một công trình, dự án…

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bà Nguyễn Thuý Anh-Uỷ viên Trung ương Đảng - Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định tính ý nghĩa của các Chương trình MTQG. Đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi. 

Qua kiểm tra, khảo sát ở huyện Phước Sơn và Đông Giang, bà Nguyễn Thuý Anh ghi nhận những nỗ lực của chính quyền Quảng Nam và sự đồng lòng của người dân trong thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Quảng Nam cần lưu ý một số nội dung sau: Tập trung, khẩn trương nghiên cứu các văn bản liên quan để nắm rõ nội dung, nhiệm vụ của các Chương trình trong giai đoạn mới này. Làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan về tiến độ thực hiện các Chương trình để có giải pháp khắc phục. Có biện pháp quyết liệt, cho các tổ công tác trực tiếp xuống địa bàn cơ sở hướng dẫn triển khai các dự án, tiểu dự án, đặc biệt là Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi. Trong quá trình triển khai phải đảm bảo tính hiệu quả, tránh lãng phí, thiếu tập trung. Đẩy mạnh phân cấp phân quyền; nâng cao nhận thức cho người dân, cán bộ về thực hiện các Chương trình MTQG…

(0) bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc tại Quảng Nam về các Chương trình mục tiêu quốc gia
POWERED BY ONEPORTAL - A PRODUCT OF NEKO