Chiều ngày 30/11, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã Hội (LĐ-TB-XH) Lê Văn Thanh dẫn đầu đoàn giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình Mục tiêu quốc gia làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cùng đại diện các Sở, ngành tiếp và làm việc với đoàn.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án. Nguồn lực đầu tư của các chương trình đã tác động tích cực đến đời sống nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là người dân khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, tổng các nguồn vốn hỗ trợ thực hiện của các Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) năm 2023 (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài) là 3.279 tỉ đồng. Tổng các nguồn vốn phân bổ hỗ trợ thực hiện của các chương trình MTQG năm 2023 là 2.998 tỉ đồng (đạt 91%).
Qua triển khai thực hiện chương trình đã được những kết quả nhất định. Hệ thống cơ chế chính sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ bản hoàn thành tương đối đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương triển khai thực hiện. Từ nguồn lực của chương trình, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi đã được tăng cường đầu tư, với khoảng 1.684 công trình. Từ đó, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và khu vực miền núi, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân.
Ngoài ra, nhiều nội dung, công việc và dự án, tiểu dự án đã tập trung giải quyết các yêu cầu bức xúc, thiết thực về đời sống và sản xuất; sắp xếp, ổn định dân cư, xóa nhà tạm, chuyển đổi nghề, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi; nâng cao mức sống văn hóa, tinh thần, vật chất cho người dân... Từ đó, bước đầu giúp người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số thay đổi về nhận thức trong phát triển sản xuất, trong học nghề, lập nghiệp, xây dựng đời sống nông thôn mới, nâng cao ý thức gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa của từng dân tộc, tự thân nỗ lực vươn lên.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chương trình MTQG vẫn còn chậm so với yêu cầu, kế hoạch vốn chưa phân bổ chi tiết vẫn còn nhiều. Nguyên nhân do giai đoạn 2021-2023, nhiều văn bản của các cơ quan Trung ương ban hành triển khai còn chậm, chưa được đồng bộ, một số nội dung chồng chéo. Mặc dù một số nội dung được tháo gỡ nhưng chưa giải quyết được hết các vấn đề. Việc phân bổ vốn cho ba chương trình MTQG còn chậm so với yêu cầu. Số danh mục công trình nhiều, danh mục công trình năm 2023 phải thông qua HĐND các cấp nên chậm. Nguồn nhân lực các phòng, ban không đáp ứng đủ nhu cầu giải quyết công việc của chương trình MTQG…
Tại buổi làm việc, tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Nghị quyết quy định một số cơ chế đặc thù, thí điểm để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, đề nghị xem xét, tăng mức hỗ trợ cho huyện đăng ký thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn để đảm bảo thực hiện nội dung, nhiệm vụ và hoàn thành mục tiêu của Tiểu dự án 2 Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Tỉnh Quảng Nam cho rằng trung ương hỗ trợ cho 2 huyện là Phước Sơn và Bắc Trà My chỉ hơn 187 tỉ đồng để thực hiện Tiểu dự án 2 là quá ít so với mục tiêu, nhiệm vụ của dự án.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Quảng Nam. Quảng Nam được bố trí nguồn vốn cho ba chương trình MTQG tương đối lớn, do đó có ảnh hưởng lớn đến tỉ lệ giải ngân chung của cả nước.
Thứ trưởng đề nghị Quảng Nam tập trung làm rõ kết quả, tiến độ từng chương trình, dự án, tiểu dự án để đôn đốc thực hiện. Tập trung giải ngân hết nguồn vốn năm 2023, không để dồn qua năm 2024 lại xảy ra tình trạng nguồn vốn lớn khó giải ngân. Kinh nghiệm với dự án, tiểu dự án dễ thực hiện thì làm nhanh ngay từ đầu, để dành thời gian, nhân lực thực hiện các chương trình khó hơn.
Về phía tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh cho biết thời gian qua, Quảng Nam đã hết sức tích cực, tập trung chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG với sự cố gắng, trách nhiệm, quyết tâm cao nhất để khắc phục các khó khăn, vướng mắc nhằm tận dụng tối đa các nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn, miền núi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu các sở ngành lưu ý vấn đề liên hệ, phối hợp với các văn phòng trung ương các chương trình MTQG để trao đổi, tiếp thu, hướng dẫn thực hiện. Đồng chí Trần Anh Tuấn cam kết Quảng Nam sẽ tiếp tục thể hiện quyết tâm cao, tập trung chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành kế hoạch giải ngân nguồn vốn chương trình MTQG.