Sáng ngày 11/11, Đoàn giám sát của Bộ LĐ,TB&XH do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam về tình hình triển khai các Chương trình MTQG năm 2022 và hoạt động của các chương trình tín dụng chính sách. Làm việc với Đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn và đại diện các Sở, ngành liên quan.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, trong chuyến công tác này của đoàn nhằm nắm bắt tình hình triển khai các Chương trình MTQG của địa phương, tính hiệu quả của các nguồn vốn chính sách xã hội, cũng như nắm bắt, giải quyết những vướng mắc, tồn tại của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện; định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian đến.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, Chương trình MTQG xây dựng NTM tại Quảng Nam được phân bổ gần 2.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2021-2025. Riêng kế hoạch vốn năm 2021,2021 là hơn 717 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 118 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ hơn 60%. Ước đến cuối năm 2022, có thêm 05 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 123 xã. Tổng số vốn giải ngân đến 31/10 là hơn 66,8 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 9,3%.
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được bố trí hơn 1.319 tỷ đồng; kế hoạch vốn năm 2022 là hơn 480 tỷ đồng. Đến 31/10/2022, Quảng Nam đã giải ngân hơn 10 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 2,1%.
Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tổng nguồn vốn được hỗ trợ trong giai đoạn 2021-2025 là hơn 1.490 tỷ đồng; kế hoạch vốn năm 2022 là hơn 492 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân đến 31/10/2022 là hơn 1,6 tỷ đồng, đạt 0,34%.
Nhìn chung, trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, Quảng Nam gặp không ít khó khăn như: Nguồn vốn hỗ trợ thực hiện phân bổ chậm, cắt giảm so với giai đoạn trước; một số chương trình, dự án chưa có thông tư hướng dẫn để địa phương thực hiện; khó xác định nội dung, đối tượng ở một số chương trình, dự án để không trùng lắp, chồng chéo…
Dịp này, tỉnh Quảng Nam cũng đã kiến nghị một số nội dung như: Trung ương sớm giao trung hạn vốn sự nghiệp 2021-2025 để địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện cho cả giai đoạn, phân kỳ vốn theo kế hoạch hằng năm; ban hành cơ chế, chính sách phân cấp mạnh cho địa phương trong thực hiện và chịu trách nhiệm triển khai; xem xét cho kéo dài thời gian thực hiện vốn ngân sách TƯ kế hoạch năm 2022 sang năm 2023; cho phép địa phương linh hoạt lựa chọn áp dụng thực hiện các dự án theo cơ chế đặc thù hoặc áp dụng thực hiện dự án theo quy trình, quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng…
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Lê Văn Thanh ghi nhận, mặc dù là một tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng chính quyền các cấp luôn nỗ lực, quyết tâm cao trong thực hiện các Chương trình MTQG, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm khoảng cách giữa các vùng nông thôn, miền núi và đô thị. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều hạn chế, tỷ lệ giải ngân vốn thấp so với mặt bằng chung của cả nước; ở một số địa phương mô hình sinh kế còn hạn chế, chưa đem lại hiệu quả như mong muốn; các chương trình, dự án thiếu tính liên kết, chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm…
Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị Quảng Nam trong thời gian tới tập trung cho công tác giải ngân vốn các Chương trình MTQG; việc phân bổ vốn đầu tư dự án cần có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất theo quy mô lớn hơn; phát triển sản xuất liên kết từ đầu vào đến đầu ra, giúp bà con có thu nhập, nâng cao mức sống; đẩy mạnh công tác dạy nghề…