Chiều ngày 11/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đã có buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội tỉnh và các đơn vị liên quan về xử lý nợ bảo hiểm.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Danh- Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam cho biết, trong thời gian qua, công tấc thực hiện chính sách BHXH (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã đạt được một số kết quả nhất định; đặc biệt là công tác thu, thu hồi tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Theo số liệu báo cáo của BHXH tỉnh Quảng Nam, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN của khối doanh nghiệp hơn 246 tỷ đồng. Có 1.184 đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên, với số tiền chậm đóng hơn 151 tỷ đồng. Các đơn vị khó thu (đơn vị giải thể, phá sản, mất tích, ngừng hoạt động…) với số tiền chậm đóng hơn 38,5 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 2.257 lao động tại 108 đơn vị đã giải thể, phá sản bị ảnh hưởng quyền lợi do đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN không có khả năng thu hồi.
Trong khối Hành chính-sự nghiệp, Đảng, Đoàn thể, cán bộ xã, phường, thị trấn, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN hơn 10,4 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, BHXH tỉnh cũng cho biết thêm, trong thời quan, BHXH tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện công tác thu, thu hồi tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN. Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng vẫn còn cao, đặc biệt có nhiều đơn vị phát sinh chậm đóng số tiền lớn, thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lời của người lao động khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Theo đó, có nhiều đơn vị đã ngừng tham gia BHXH, không còn sử dụng lao động, mất khả năng thanh toán, tuy nhiên chưa làm thủ tục giải thể, phá sản nên số tiền chậm đóng không thu hồi được, càng ngày càng phát sinh thêm tiền lãi chậm trong đó. Trong số 1.184 đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên, có 557 đơn vị không còn lao động tham gia BHXH với số tiền chậm đóng hơn 73 tỷ đồng.
Các đơn vị có số lao động nhỏ chiếm tỷ lệ lớn cũng gây khó khăn cho công tác thu hồi tiền chậm đóng do thường xuyên không phối hợp, không có người ở công ty, không liên lạc được, thay đổi địa chỉ, nhân sự liên tục. Toàn tỉnh có 565 đơn vị dưới 10 lao động chậm đóng từ 3 tháng trở lên với số tiền chậm đóng hơn 27 tỷ đồng.
Nhiều đơn vị đã thực hiện hết các giải pháp: Làm việc trực tiếp, thanh tra, xử phạt… nhưng vẫn không khắc phục tình trạng chậm đóng hoặc sau khi làm việc thì đơn vị chuyển tiền, tuy nhiên sau đó lại vi phạm chậm đóng trở lại.
Tại cuộc họp, BHXH tỉnh cùng các đơn vị liên quan đã cùng thảo luận, trao đổi, đề xuất nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN. Trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Thường xuyên công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH của người lao động. Tăng cường phối hợp, thanh tra, đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ, kịp thời. Kiên quyết xử lý vi phạm đối với đơn vị trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN…
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho biết, mọi tổ chức, đơn vị đều có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ về BHXH, BHYT, BHTN nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Theo đó, trước hết, các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh cần có sự phối hợp chặt chẽ, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền, đối thoại với người đúng đầu doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động; thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp vi phạm về thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN; rà soát, phân nhóm các doanh nghiệp, đơn vị đang chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN để có phương án cụ thể, giải quyết tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN.