Chiều ngày 30/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cùng đại diện các Sở, ngành liên quan đã có buổi làm việc với UBND huyện Đông Giang về tình hình thực hiện các Chương trình MTQG năm 2022.
Theo báo cáo tại cuộc họp, năm 2022, tổng nguồn vốn được giao để Đông Giang thực hiện các Chương trình MTQG là hơn 146 tỷ đồng. Trong đó vốn Chương trình MTQG xây dựng NTM là hơn 20,9 tỷ đồng; vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững hơn 65,9 tỷ đồng; Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS hơn 59 tỷ đồng.
Trong Chương trình MTQG xây dựng NTM, tính đến nay, xã Ba, xã Tư tiếp tục duy trì đạt chuẩn NTM; Số tiêu chí nông thôn mới đạt chuẩn bình quân/xã: 15,1 tiêu chí/xã. Chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã xây dựng Đề án phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 theo quy định của tỉnh và tình hình thực tế tại địa phương. ổ chức rà soát đánh giá các mô hình, điển hình tiên tiến, các dự án PTSX liên kết theo chuỗi giá trị có hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và đề xuất nhân rộng giai đoạn 2021-2025.
Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững, huyện đã cấp 16.558 thẻ BHYT miễn phí cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn; hỗ trợ cho 1.885 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn để phát triển sản xuất; 1.400 hộ SXKD vùng khó khăn, 791 hộ mới thoát nghèo và 740 hộ giải quyết việc làm với tổng kinh phí hơn 223 tỷ đồng…
Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đến nay huyện đã hoàn thành công tác rà soát, xây dựng nội dung thực hiện và danh mục công trình các tiểu dự án, dự án thuộc chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 và dự kiến nguồn lực theo chỉ đạo của Ban Dân tộc.
Trong quá trình thực hiện các Chương trình MTQG, huyện Đông Giang cũng gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định: Nguồn vốn phân bổ chậm, ảnh hưởng lớn đến chất lượng, hiệu quả và tiến độ giải ngân theo quy định; năng lực cán bộ xã, thôn trong quản lý, điều hành còn nhiều hạn chế, bất cập. Bên cạnh đó, bộ tiêu chí xây dựng NTM, chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 yêu cầu chất lượng được nâng lên theo nhiều cấp độ, trong khi đó các xã thực hiện Chương trình là các xã ĐBKK, có tỷ lệ hộ nghèo cao nên triển khai thực hiện khó đạt mục tiêu đề ra…
Dịp này, huyện Đông Giang cũng đã kiến nghị một số nội dung: Sớm phân bổ nguồn vốn sự nghiệp các chương trình MTQG, đặc biệt các nguồn vốn dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kể để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện đảm bảo đúng mùa vụ, nâng cao hiệu quả nguồn vốn giao; sớm ban hành hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù trong thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2022-2025 và các văn bản hướng dẫn triển khai các dự án, tiểu dự án các chương trình MTQG; xem xét thống nhất đề xuất thành lập, kiện toàn Văn phòng Điều phối các chương trình MTQG huyện Đông Giang giai đoạn 2021-2025…
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đề nghị huyện tiếp thu các ý kiến của Sở, ngành; khẩn trương thành lập Văn phòng các Chương trình MTQG hoạt động theo tinh thần kiêm nhiệm; bám sát mục tiêu, đối tượng thụ hưởng…để xác định danh mục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; rà soát lại danh mục đầu tư, ưu tiên các công trình thiết yếu, các công trình có tính kích thích thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương; nắm chắc quy trình đầu tư, đảm bảo tiến độ giải ngân nguồn vốn; xác định tiến độ cho từng dự án…Song song đó, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến người dân, nâng cao nhận thức vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện các Chương trình MTQG…