Theo dự báo, bão số 3 (YAGI) đang tiếp tục mạnh thêm, sức gió mạnh nhất trên biển có thể đạt cấp 13, giật cấp 16, khả năng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3/9/2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024…
Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Ngoại giao, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bí thư, Chủ tịch UBND 24 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình.
Sáng 3/9, cơn bão số 3 (YAGI) đã vượt qua đảo Luzon (Philippin) vào khu vực đông bắc biển Đông trở thành cơn bão số 3 hoạt động trên biển Đông trong năm 2024, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 12.
Dự báo, bão số 3 sẽ tiếp tục mạnh thêm, sức gió mạnh nhất trên biển có thể đạt cấp 13, giật cấp 16 trong những ngày tới, di chuyển nhanh về phía đảo Hải Nam (Trung Quốc) và khu vực Vịnh Bắc Bộ, khả năng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta. Đây là cơn bão được dự báo có cường độ rất mạnh.
Để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ do ảnh hưởng của bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ và Chủ tịch UBND 24 tỉnh, thành chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ" theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Thủ tướng lưu ý Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nêu trên chủ động thông tin kịp thời, hướng dẫn người dân ứng phó với bão, lũ, có phương án đảm bảo an toàn cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản ở cả trên biển, đảo, ven biển, đất liền, khu vực miền núi.
Trong đó, trên biển, đảo, tùy tình hình chủ động quyết định việc cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch. Trên đất liền chủ động di dời, sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm "bốn tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ NN&PTNT theo dõi sát tình hình bão lũ, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan kịp thời phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn rà soát phương án ứng phó, chủ động tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ địa phương ứng phó với bão, lũ, sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn.
Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Công Thương và các bộ, ngành có liên quan theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai công tác bảo đảm an toàn các hoạt động dầu khí trên biển, khai thác khoáng sản và hệ thống lưới điện; vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện; đảm bảo an toàn giao thông theo quy định.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai Công điện này.