Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững

Gương sáng phụ nữ Cơ Tu làm giàu

QTI 31/07/2024 18:09

Đến với huyện vùng biên Tây Giang hôm nay, không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc đại ngàn tuyệt mỹ, khí hậu trong lành, tinh khiết cùng với bản sắc văn hóa đồng bào hết sức đặc trưng, mà len lỏi trong những bản làng chúng ta còn được nghe đồng bào Cơ Tu kể chuyện hành trình thoát nghèo, làm giàu hết sức kỳ tích, thích thú.

Chị Blắc nuôi gà mỗi năm cho doanh thu hơn 200 triệu đồng.

Chị Bnướch Thị Blắc sinh năm 1982 ở xã Bhalêê huyện Tây Giang là hộ giàu nhất trong thôn R’cung. Chị là một tấm gương nổi bật về phát triển kinh tế tổng hợp, nhiều năm liền được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu. 

Sinh ra từ một gia đình khó khăn với xuất phát điểm khi lập gia đình hầu như chẳng có gì, sau nhiều lần được chính quyền địa phương tuyên truyền vận động phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững, chị Blắc đã tìm được hướng thoát nghèo và làm giàu.

Chị Blắc khởi động hành trình thoát nghèo bền vững bằng mô hình kinh doanh tạp hóa với đầy đủ các nhu, yếu phẩm cung cấp cho bà con trong thôn. Đây cũng là bàn đạp để chị có vốn mở rộng sang mô hình trồng trọt và phát triển chăn nuôi. 

Hiện nay chị Blắc đang trồng 1,6 héc ta cam với số lượng hơn 700 gốc. Năm 2023 chị bán quả cam thu về được hơn 30 triệu đồng. Đồng thời còn trồng thêm bưởi da xanh cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi vụ. Chị tiếp tục tận dụng đất rẫy sẵn có để trồng hơn 3 héc ta quế và 2 héc ta keo, hiện nay sắp đến giai đoạn thu hoạch với lợi nhuận ước tính hàng trăm triệu đồng.

Không dừng lại ở đây, tận dụng thế mạnh đất vườn đồi sẵn có, chị Blắc tiếp tục phát triển mô hình chăn nuôi gà bản địa và gà thương phẩm để cung cấp cho các thương lái miền xuôi. Bình quân mỗi năm chị nuôi 3 lứa gà với số lượng khoảng 1.500 con, xuất bán thu về số tiền hơn 200 triệu đồng. Nhờ sử dụng nguồn thức ăn tại chỗ và nuôi theo phương pháp thả vườn nên đàn gà của chị cho chất lượng thơm ngon, được thương lái ưu tiên bao tiêu đầu ra ổn định với giá cao.

“Ở trên núi này muốn thoát nghèo thì phải mở rộng làm ăn kinh tế như vườn, chăn nuôi, trồng trọt. Bán được sản phẩm thì tiết kiệm tiền để mua sắm tài sản lớn hơn như xe, cộ để làm ăn. Như vậy cuộc sống sẽ ổn định hơn và con cái học hành đỡ vất vả. Mỗi khi hội họp trong thôn tôi đều chia sẻ cách làm của mình để bà con cùng phát triển kinh tế nhanh chóng thoát nghèo” - Chị Blắc chia sẻ.

Với bản tính siêng năng, luôn suy nghĩ phải làm sao để khá giả, thời gian rảnh rỗi chị Bnướch Thị Blắc còn vào làng để thu mua quế cây tận vườn về sơ chế để bán lại kiếm lời. Bình quân mỗi năm chị giao thương khoảng 10 tấn quế vỏ để xuất khẩu trong nước và ra nước ngoài. Đây cũng là cách kinh doanh mới theo hình thức mua tận gốc, bán tận ngọn, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho bà con khi tham gia khai thác quế.

“Quế thì tôi thu mua cả vườn, rồi mình thuê nhân công đi lột tại vườn về sơ chế bán lại cho thương lái. Mình làm như vậy thì lời được nhiều hơn và bán theo đúng quy cách thương lái yêu cầu”.

Chị Blắc đang chăm sóc vườn cam

Nghị lực cần cù, vượt khó không riêng có ở chị Blắc mà đối với người chồng Trần Văn Được cũng hăng say không kém. Từ tiền của lao động tích cóp được, gia đình anh chị đầu tư mua 2 xe đào và 1 xe tải để nhận thi công san lấp mặt bằng cho dân làng hoặc nhận khoáng thi công các công trình xây dựng. Nhờ tính thật thà và làm việc đầy trách nhiệm nên công việc kinh doanh anh Được phụ trách duy trì quanh năm với mức thu nhập rất cao. 

“Hai vợ chồng tích góp mua 1 xe tải, 2 xe múc để nhận san lấp mặt bằng, đào ao, chở vật liệu xây dựng, nói chung ai kêu gì thì mình làm. Bình quân mỗi tháng thu nhập từ xe cơ giới khoảng 150 triệu đồng. Tôi cũng tạo điều kiện cho anh em công nhân người địa phương mỗi tháng thu nhập 12 triệu đồng/ người. Sắp tới sẽ mua thêm 1 xe tải lớn để kinh doanh” – anh Được cho biết.

Với sự thành công đầy ngoạn mục của đôi vợ chồng Bnướch Thị Blắc và Trần Văn Được, bà con trong thôn R’cung cũng đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm làm giàu. Chị Blắc và anh Được cũng nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, vận động bà con nhân dân tranh thủ sự hỗ trợ của Đảng – Nhà nước, tập trung phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Anh Được sử dụng xe tải và xe múc san lấp mặt bằng cho đồng bào

Nhờ siêng năng, chăm chỉ cộng thêm biết tính toán trong sản xuất kinh doanh mà giờ đây thu nhập của gia đình chị Bnướch Thị Blắc đạt gần một tỷ đồng/ năm và sắm ô tô con để đi giao dịch làm ăn khắp nơi. Con cái cũng được ăn học đầy đủ. Tới đây gia đình chị sẽ đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng để mua thêm xe ô tô tải trọng lớn để kinh doanh vật liệu xây dựng cung cấp cho bà con trong huyện. Và khu vực gia trại nằm sát đường Hồ Chí Minh cũng sẽ được cải tạo, đầu tư để trở thành điểm du lịch sinh thái đón khách thăm quan, thưởng thức các món đặc sản Tây Giang.

Ông Mạc Như Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, trong những năm qua, huyện Tây Giang luôn xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị. Chúng tôi triển khai quyết liệt các cơ chế, chính sách hỗ trợ của trung ương, tỉnh để tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện xóa đói, giảm nghèo. Nhờ vậy mà tỉ lệ hộ nghèo ở Tây Giang mỗi năm giảm từ 5 đến 6%. Có được kết quả đó cũng là nhờ nghị lực thoát nghèo của bà con. 

Chị Blắc chia sẻ kinh nghiệm làm giàu với phụ nữ trong thôn

Qua câu chuyện đồng sức, đồng lòng quyết tâm làm giàu của vợ chồng chị Bnướch Thị Blắc và anh Trần Văn Được cho chúng ta thấy được việc thoát nghèo không phải là khó. Chỉ cần chăm chỉ lao động sản xuất, làm việc hết sức mình và biết tính toán, tích góp trong chi tiêu thì nghèo đói sẽ chỉ còn là quá khứ. Mọi người có dịp qua xã Bhalêê nhớ ghé lại thôn R’cung để nghe chị Bnướch Thị Blắc kể về hành trình thoát nghèo, vươn lên làm giàu để cùng học hỏi vươn lên./. 

(0) bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gương sáng phụ nữ Cơ Tu làm giàu
POWERED BY ONEPORTAL - A PRODUCT OF NEKO