TIN HUYỆN - THÀNH PHỐ - THỊ XÃ

Hiệp Đức: Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2026

Thùy Dung 19/04/2022 00:00

Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền và sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành, Mặt trận tổ quốc, hội, đoàn thể từ huyện đến các xã, thị trấn đã góp phần ổn định tình hình TTATGT trên địa bàn huyện Hiệp Đức phục vụ đắt lực nhu cầu phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Hạ tầng giao thông huyện được đầu tư, mở rộng.

Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông vẫn còn xảy ra nhiều, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông còn ở mức cao; vi phạm ATGT vẫn còn xảy ra phổ biến. Tình hình trên do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do một bộ phận người tham gia giao thông chưa có ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT; bên cạnh đó cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên quan tâm đúng mức, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm TTATGT; hoạt động của Ban ATGT các cấp có lúc, có nơi chưa đều, chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, đơn vị chưa xem đó là nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực thi pháp luật về TTATGT. 

Bên cạnh đó, phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng trong khi hạ tầng giao thông chưa tương xứng, còn nhiều hạn chế, bất cập; lực lượng và phương tiện phục vụ công tác bảo đảm TTATGT còn thiếu về nhiều mặt, nhất là phương tiện phục vụ cho lực lượng Công an, từ đó ảnh hưởng nhất định đến việc triển khai các mặt công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn huyện.

Trong 5 năm (từ 2017 đến 2021), trên địa bàn huyện xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm chết 28 người, bị thương 26 người, thiệt hại về tài sản khoảng 205 triệu đồng (so với cùng kỳ 5 năm trước tai nạn giao thông tăng 9 vụ tăng 01 người chết và giảm 01 người bị thương).

Để đảm bảo tình hình TTATGT trong thời gian tới đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác đảm bảo ATGT. Nhất là sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các ngành, các cấp từ huyện đến các xã, thị trấn; khắc phục những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm trong thời gian qua và triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trên lĩnh vực ATGT. Xuất phát từ những vấn đề trên, UBND huyện đã ban hành Đề án “Đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn huyện Hiệp Đức giai đoạn 2022- 2026”.

Các nhiệm vụ và giải pháp để triển khai Đề án “Đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn huyện Hiệp Đức giai đoạn 2022- 2026”: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của từng ngành và địa phương. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 04/9/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” và các văn bản pháp luật có liên quan về công tác đảm bảo TTATGT.

Tích cực huy động các nguồn đầu tư để quy hoạch, phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, công trình giao thông đường bộ. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, bảo trì hệ thống giao thông đường bộ, hành lang an toàn giao thông; kiểm tra, khắc phục các cầu, cống thoát nước, các điểm bất hợp lý trên các tuyến đường giao thông; rà soát, lắp đặt các biển báo, đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng… theo đúng quy định và thuận lợi cho người tham gia giao thông. Đồng thời, tập trung xử lý nghiêm các trường hợp che khuất tầm nhìn gây mất trật tự hành lang an toàn giao thông, các hành vi cản trở hoặc xâm hại đến các công trình giao thông.

Đổi mới nâng cao hiệu quả, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT. Huy động các cơ quan thông tin truyền thông, các tổ chức chính trị- xã hội; các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, các trường học; Mặt trận tổ quốc, hội đoàn thể từ huyện đến các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT; tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân trên toàn huyện; đa dạng hóa về nội dung, hình thức để nhân dân dễ hiểu, đồng thuận ủng hộ và tự giác chấp hành nghiêm các quy định về ATGT. Đồng thời xây dựng, nhân rộng các mô hình Khu dân cư tự quản về ATGT ở các Khu dân cư trên địa bàn huyện.

Huy động tối đa các lực lượng, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát giao thông khép kín địa bàn, nhất là tập trung các ngày lễ, tết, các giờ cao điểm, các tuyến đường trọng điểm...xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các lỗi là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông. Thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ các phương tiện tham giao giao thông đường thuỷ nội địa, chấn chỉnh kịp thời hoạt động của các tuyến đò ngang trái phép, xử lý nghiêm các thuyền, ghe dân sinh hoạt động không đảm bảo quy định pháp luật, nhất là khu vực Trà Linh đi Nông Sơn và các điểm dọc tuyến Sông Tranh, Sông Tiên, Sông Trường…

Các cơ quan tiến hành tố tụng phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ, kịp thời khởi tố điều tra, đề nghị truy tố và đưa ra xét xử nghiêm các đối tượng gây tai nạn vi phạm pháp luật hình sự; đưa ra xét xử điểm, xét xử lưu động các vụ án tại các khu dân cư nhằm tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của các tầng lớp nhân dân trong việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông.

Thường xuyên củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động, vai trò trách nhiệm của của người lãnh đạo, chỉ huy và Ban ATGT các cấp; bố trí lực lượng làm công tác đảm bảo TTATGT đảm bảo về số lượng, chất lượng. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa sai phạm, tiêu cực đối với các lực lượng làm công tác đảm bảo TTATGT. 

Bố trí nguồn kinh phí hợp lý để đầu tư mua sắm phương tiện, công cụ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ trang bị cho các lực lượng làm công tác đảm bảo TTATGT, nhất là lực lượng trực tiếp. 

Các cơ quan, đơn vị từ huyện đến các xã, thị trấn định kỳ 6 tháng, 1 năm tổng hợp tình hình, kết quả triển khai thực hiện Đề án gửi về UBND huyện (qua Công an huyện). Đồng thời, tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các chỉ tiêu của Đề án; chỉ rõ những mặt làm được, những mặt còn hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế, trên cơ sở đó có hướng khắc phục và đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới; kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo TTATGT.

 

 

(0) bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hiệp Đức: Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2026
POWERED BY ONEPORTAL - A PRODUCT OF NEKO