Tối qua 31/12 thành phố Hội An tổ chức lễ công bố gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO. Các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Lan, Trưởng ban Dân vận Huỳnh Thị Thùy Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cùng đại diện UNESCO tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ VH-TT&DL cùng đông đảo người dân và du khách tham dự sự buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, ngoài một quần thể kiến trúc Khu phố cổ hết sức đa dạng, độc đáo, Hội An còn có cả một kho tàng các giá trị văn hóa phi vật thể vô cùng đồ sộ, bao gồm các làng nghề, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian truyền thống đặc sắc, cùng với đó là nếp sống, vốn sống hiền hòa, hiếu khách "nhân tình thuần hậu" của người dân Hội An.
Đây chính là nền tảng quan trọng để đưa Hội An trở thành Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1999. Trong gần 25 năm qua, Hội An luôn đặt văn hóa làm trung tâm của quá trình xây dựng và phát triển của mình, coi văn hóa là yếu tố then chốt hàng đầu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, Hội An cũng lựa chọn sự phát triển bền vững, coi trọng các giá trị sinh thái và nhân văn, luôn tạo cơ hội và ươm mầm cho các giá trị sáng tạo mới trên nền tảng bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa.
Hội An cũng lựa chọn sự phát triển bền vững, coi trọng các giá trị sinh thái và nhân văn, luôn tạo cơ hội và ươm mầm cho các giá trị sáng tạo mới trên nền tảng bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa. Theo đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã được phục hồi, phát huy đưa vào khai thác phục vụ du lịch như: Tái hiện đêm Phố cổ đầu thế kỷ XX, trình diễn nghệ thuật Bài Chòi, hát Hò khoan, đưa nghệ thuật dân gian vào các chương trình, hội thi, hội diễn, lễ hội, sự kiện.
Bên cạnh đó, thành phố không ngừng chăm lo bồi dưỡng đào tạo lực lượng diễn viên, nghệ sĩ kế cận, đưa nghệ thuật truyền thống vào giảng dạy trong trường học, tổ chức các lớp dạy hát dân ca, đào tạo nghệ nhân hát tuồng hằng đêm tại Khu phố cổ. Các hoạt động đã góp phần tạo thêm nhiều sản phẩm đặc sắc để phục vụ du khách và nâng cao tầm vóc của văn hóa Hội An.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hội An, trong năm 2022 và 2023, Hội An lại có vinh dự to lớn là được Bộ VH-TT&DL lựa chọn cùng với thành phố Đà Lạt để giới thiệu gia nhập vào mạng lưới các Thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO, một mạng lưới bao gồm những thành phố tiên tiến, đi đầu trên lĩnh vực sáng tạo và phát triển bền vững. Với nhiều nỗ lực vượt bậc, tháng 7-2023, hồ sơ đăng ký gia nhập của thành phố Hội An đã thực hiện thành công. Vào ngày 31-10-2023, Hội An đã chính thức được ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO.
Tại buổi lễ, Quyền trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Phạm Thị Thanh Hường nhấn mạnh: Việc trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao vị thế, thương hiệu Hội An, lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc của Hội An với bạn bè trong nước và quốc tế. Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng là trọng trách to lớn của chính quyền và nhân dân thành phố trong việc nỗ lực thực hiện các chương trình hành động và sáng kiến đã cam kết để mang lại các giá trị, lợi ích cao hơn cho cộng đồng, dân cư Hội An và qua đó góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, con người Hội An - Quảng Nam đến với bạn bè khắp năm châu.