Sáng ngày 22/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố với sự tham dự của lãnh đạo UBND các tỉnh cùng các sở, ngành liên quan; 37 điểm cầu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Điểm cầu Quảng Nam có sự tham dự của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, đại diện các Sở, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam mong muốn được lắng nghe, chia sẻ và thấu hiếu, đồng hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang đầu tư tại Việt Nam cũng đã cảm nhận được những chia sẻ, thấu hiếu, đồng hành và sự nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong quá trình chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực liên quan đến đầu tư nước ngoài và tiếp tục rà soát thể chế, pháp luật, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm và xác định rõ, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (khu vực FDI) là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác.
Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự nhưng xử lý nghiêm những người vi phạm pháp luật theo quy định để bảo đảm, bảo vệ những người làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật và có trách nhiệm với cộng đồng, với sự phát triển chung.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, thách thức chưa vượt qua; tình hình thu hút đầu tư nước ngoài chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của cả 2 bên; sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn thiếu chặt chẽ; các quy định của pháp luật về đầu tư, môi trường, đất đai, tài nguyên còn nhiều vướng mắc, chồng chéo. “Để khắc phục những tồn tại trên, giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước cần có sự thích ứng linh hoạt với hoàn cảnh, cần có sự chia sẻ, lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành, đó là chìa khóa làm nên thành công hợp tác đầu nước ngoài”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết, thông qua hội nghị lần này nhằm đánh giá thực trạng, tình hình về thu hút đầu tư nước ngoài, xác định rõ điểm nghẽn, vướng mắc cũng như những thời cơ, thuận lợi, từ đó đề ra các giải pháp linh hoạt, ưu việt thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh nước ngoài tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Tại Hội nghị, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã đưa ra những nhận định về xu hướng dòng vốn đầu tư trên thế giới, và đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời, nhận diện thách thức, tận dụng cơ hội để đầu tư và mở rộng đầu tư trong một số lĩnh vực tại Việt Nam.
Đại diện lãnh đạo một số địa phương cũng chia sẻ về thực thi chính sách và chuẩn bị điều kiện để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Lãnh đạo các bộ, ngành tham dự Hội nghị đã có những phản hồi, tiếp thu chính sách về những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.
Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài triển khai thực hiện dự án. Nếu như thời điểm mới tái lập tỉnh năm 1997, trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng vài trăm doanh nghiệp, trong đó có dưới 10 doanh nghiệp FDI với vốn đăng ký đầu tư dưới 20 triệu USD thì đến nay, toàn tỉnh có hơn 8.300 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 194 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 6,06 tỷ USD tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: công nghiệp chế biến - chế tạo, du lịch - dịch vụ,… Các đối tác đầu tư nước ngoài đến từ khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, Hàn Quốc hiện là đối tác FDI có số lượng dự án lớn nhất với 59 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 870,2 triệu USD, Singapore là đối tác có vốn đầu tư FDI lớn nhất với 08 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký 4,11 tỷ USD. Các dự án đầu tư tập trung phần lớn tại khu Kinh tế mở Chu Lai, khu du lịch ven biển, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.