Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII

P.TH 04/12/2023 15:19

Sáng nay 4/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

 

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh

Dự và chỉ đạo hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; các nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng. 

Tham dự tại điểm cầu Quảng Nam có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường; Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng; Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh; các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành. 

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng quán triệt chuyên đề “Tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc” với 4 nội dung chính, gồm: Vài nét về Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; vì sao Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-11-2023 về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; những nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; tổ chức thực hiện.

Theo đó, mục tiêu của Nghị quyết số 43-NQ/TW là tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết nêu rõ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, hệ thống chính trị và Nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Hoàn thiện chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết trong Đảng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước trong phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiềm năng và sức sáng tạo của nhân dân. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước. Tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quán triệt chuyên đề “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới” với các nội dung chủ yếu: Các yếu tố nền tảng của chính sách xã hội; đánh giá khái quát 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012; sự cần thiết ban hành Nghị quyết về đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội; nội dung chính của Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023; những điểm mới nổi bật của Nghị quyết số 42-NQ/TW.

Nghị quyết số 42-NQ/TW có 4 quan điểm và 37 chỉ tiêu của mục tiêu tổng quát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Về mục tiêu tổng quát, xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; tạo cơ hội cho nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế gắn với việc làm bền vững; nâng cao chất lượng quản lý phát triển xã hội gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Tầm nhìn đến năm 2045, hệ thống chính sách xã hội phát triển toàn diện, bền vững, tiến bộ và công bằng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước và xây dựng con người Việt Nam toàn diện. Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có chỉ số phát triển con người (HDI) cao trên thế giới.

Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh những điểm mới của Nghị quyết số 42-NQ/TW về cách tiếp cận: Chuyển đổi cách tiếp cận từ “bảo đảm và ổn định” sang “ổn định và phát triển”, gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội; kết hợp hài hòa giữa tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội với các chính sách xã hội khác để đảm bảo ổn định xã hội; đồng thời tập trung cho phát triển, tiến bộ xã hội thông qua phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực, phát triển tầng lớp trung lưu gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững và làm động lực phát triển kinh tế, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Về phạm vi, mở rộng ra toàn bộ các nhóm chính sách xã hội cho tất cả các đối tượng trên nguyên tắc đảm bảo tính toàn dân, toàn diện..../.

(0) bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII
POWERED BY ONEPORTAL - A PRODUCT OF NEKO