Chiều nay 2/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì hội nghị trực tuyến (4 cấp) chuyên đề về bảo đảm an toàn giao thông đối với học sinh. Tại điểm cầu Quảng Nam, tham dự có Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan đơn vị có liên quan.
Thời gian qua, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đã có những chuyển biến tích cực, các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương xác định công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho học sinh là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Tuy nhiên, tai nạn giao thông liên quan đến học sinh vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng học sinh đi học bằng xe máy điện, xe máy, xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm, đi hàng 2, hàng 3, chạy quá tốc độ…Theo thống kê, tai nạn giao thông gây hậu quả gần 500 học sinh chết, hơn 800 học sinh bị thương mỗi năm.
Tại hội nghị, các đại biểu từ trung ương đến các địa phương đã phân tích, làm rõ những nguyên nhân, đồng thời đưa ra các giải pháp để giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông học sinh trong thời gian đến. Cụ thể, nâng cao công tác tuyên truyền, phát huy, nhân rộng các mô hình có hiệu quả như: Cổng trường an toàn giao thông, Xếp hàng đón con, chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”, các “đội cờ đỏ” tại khu vực cổng trường…
Cạnh đó, các cấp, các ngành, đơn vị có liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ. Trong đó, đóng vai trò quan trọng là ngành giáo dục đào tạo, giao thông vận tải, công an, Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, UBND các tỉnh, thành phố…trong công tác phổ biến pháp luật, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Phát biểu chỉ đạo nhiệm vụ thời gian đến, Phó Thủ tướng Chỉnh phủ Trần Lưu Quang đề nghị các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quán triệt sâu rộng các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về Tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong tình hình mới. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong học sinh.
Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý các trường hợp học sinh vi phạm trong điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ điều kiện. Đổi mới nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phát huy các nền tảng mạng xã hội để học sinh dễ nhớ, dễ hiểu…
Đối với các địa phương phải có giải pháp cụ thể, đảm bảo tuyệt đối an toàn trường học, nhất là an toàn giao thông khu vực cổng trường. Tăng cường phối hợp giữa lực lượng chức năng, nhà trường, gia đình trong quản lý, giáo dục học sinh nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông./.