Sáng nay 19.4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ tư về Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số và công bố chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022, chỉ số cải cách hành chính năm 2022. Tham dự phiên họp, tại điểm cầu Quảng Nam có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị; lãnh đạo 18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Với nguyên tắc “Lấy con người là trung tâm, cải cách dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ thúc đẩy”, công tác cải cách ành chính gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp trên toàn quốc đạt được những kết quả khả quan.
Đối với công tác cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định kinh doanh gắn với chuyển đổi số, đến nay, các bộ đã công khai, cập nhật 17.830 quy định hiện hành, 149 quy định dự kiến ban hành và phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.029 quy định trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.
Một trong những vấn đề được quan tâm, đó là chuyển đổi số trong thực hiện TTHC. Đến nay, đã có 25,9% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng, tăng 5 lần so với tháng 9/2022; 62,7% hồ sơ TTHC được số hóa, trong đó có 25% được số hóa toàn trình từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả theo đúng quy định, tăng 4 lần so với tháng 9/2022.
Theo thống kê, đã có 62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh và kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia theo quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 6 triệu tài khoản đăng ký (tăng 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Bên cạnh đó, Cổng Thông tin một cửa quốc gia đã thực hiện 250/261 dịch vụ công trực tuyến của 13 bộ, ngành triển khai theo cơ chế một cửa quốc gia với hơn 55 nghìn doanh nghiệp tham gia.
Đề án 06 được triển khai đã giúp tạo đột phá trong phát triển công dân số, phục vụ giải quyết TTHC. Thống kê từ Bộ Công an, đã cấp hơn 79,5 triệu thẻ căn cước gắn chip điện tử cho công dân, tăng gần 2,9 triệu thẻ so với năm 2022; kích hoạt trên 6 triệu tài khoản VNeID; hoàn thành tích hợp 21/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Bên cạnh đó, việc gửi, nhận, xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử và chuẩn hóa báo cáo, chuyển từ báo cáo giấy sang báo cáo điện tử là bước số hóa quan trọng phục vụ cho quá trình chuyển đổi số trong nội khối hành chính nhà nước, đơn giản hóa TTHC nội bộ, giảm gánh nặng hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo đảm công khai, minh bạch. Đến nay đã có hơn 19,5 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia, trung bình có khoảng 550.000 văn bản/tháng.
Tại phiên họp, Bộ Nội vụ đã công bố kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022), Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2022). Theo đó, Quảng Ninh đứng đầu trong 63 tỉnh, thành phố về kết quả cả 2 chỉ số SIPAS và PAR INDEX. Đứng vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2022 là thành phố Hải Phòng với kết quả đạt 90,09%; đây cũng là lần thứ 10 liên tiếp Hải Phòng nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu Chỉ số CCHC.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số tại các Bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương trên cả nước vẫn còn tồn tại những hạn chế. Một số cơ quan, đơn vị chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là vai trò của người đứng đầu; trách nhiệm trong thực thi công vụ của một số bộ phận cán bộ, công chức chưa cao. TTHC trên nhiều lĩnh vực còn nhiều rào cản, nhất là những lĩnh vực liên quan đến đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, y tế, giáo dục, xuất nhập khẩu…
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá, hình thành công chức điện tử, công dân số, doanh nghiệp số, thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đặc biệt, đối với Đề án 06 thì các Bộ: Công an, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương có liên quan cần phối hợp thực hiện chặt chẽ đạt hiệu quả cao nhất. Cùng với đó, chú trọng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức giải quyết TTHC tại cấp xã, phường để đảm bảo công tác cải cách TTHC và ứng dụng CNTT được thực hiện thống nhất từ Trung ương đến cơ sở...