Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Hội nghị trực tuyến về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng

THÚY HẰNG 05/05/2024 14:16

Chiều ngày 05/5, tại tỉnh Kon Tum đã diễn ra hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023, 4 tháng đầu năm 2024 và các giải pháp trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Quảng Nam có sự tham dự của các Sở, ngành liên quan.

 

Điểm cầu Quảng Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết: Năm 2024, với nhiều biểu hiện bất thường, cực đoan của thời tiết do biến đổi khí đã gây ra. Trong thời gian vừa qua ở các tỉnh Tây Nam bộ xảy ra nhiều vụ cháy rừng, gây thiệt hại lớn về kinh tế, môi trường, đặc biệt là gây thiệt hại về người. Theo dự báo, khả năng các đợt nắng nóng kéo dài tiếp tục diễn ra trên cả nước, nguy cơ khô hạn, cháy rừng. 

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các Bộ, Ban, ngành, địa phương khẩn trương vào cuộc, đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, khó khăn, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

Theo báo cáo, năm 2023, có 60/60 tỉnh, thành phố có rừng đã công bố hiện trạng rừng với tổng diện tích rừng cả nước là gần 14,9 triệu ha. Diện tích rừng đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ là hơn 13,9 triệu ha. Trong đó, rừng đặc dụng là hơn 2 triệu ha; rừng phòng hộ hơn 4,6 triệu ha; rừng sản xuất hơn 7 triệu ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%.

Năm 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện 3.327 vụ vi phạm ảnh hưởng đến rừng trên phạm vi cả nước; giảm 597 vụ so với cùng kỳ năm 2022. Diện tích rừng bị tác động là hơn 1 nghìn ha. 

Trong 4 tháng đầu năm 2024, phát hiện 650 vụ vi phạm, diện tích rừng bị tác động hơn 182 ha. Nhìn chung số vụ vi phạm đã giảm dần qua các năm. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái pháp luật diễn ra thường xuyên tại một số vùng trọng điểm, các khu giáp ranh giữa các tỉnh, nhất là khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.

Cũng trong năm qua, cả nước đã xảy ra 310 vụ, diện tích rừng bị ảnh hưởng hơn 675 ha. Trong đó, diện tích rừng có khả năng tự phục hồi khoảng 487 ha; diện tích rừng khó có khả năng tự phục hồi khoảng 187 ha.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, xảy ra 89 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị ảnh hưởng ước tính khoảng 498 ha. Các vụ cháy rừng đã làm ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, thiệt hại về kinh tế, môi trường, đặc biệt gây thiệt hại về người. Trong 04 tháng đầu năm đã có 03 người làm nhiệm vụ chữa cháy rừng bị tử vong.

Tại Quảng Nam, trước nguy cơ tiềm ẩn cháy rừng hiện nay, nhiều địa phương đã tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, phân công trực theo dõi PCCCR, đo đếm số liệu khí tượng tại các Trạm quan trắc để cung cấp thông tin dự báo cháy rừng cho các địa phương, đơn vị, chủ rừng và nhân dân biết nhằm chủ động thực hiện. 

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy rừng, tăng 02 vụ so với cùng kỳ năm 2023; số vụ chặt phá rừng trái pháp luật là 08 vụ (+02 vụ), diện tích rừng bị thiệt hại là 4,3 ha (+2,6 ha) so với cùng kỳ năm trước.

Hội nghị cũng đã chỉ ra những tồn tại, khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do áp lực về dân số ở các vùng có rừng tăng nhanh, nhu cầu về đất ở, đất canh tác lớn nên tình trạng phá rừng để lấy đất sản xuất, đất ở còn diễn ra phổ biến ở một số địa phương. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác PCCCR còn hạn chế, nhất là ứng dụng công nghệ địa không gian, GIS để phát hiện sớm vùng cháy; phương tiện, trang thiết bị chữa, cháy rừng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; nhận thức về vị trí, vai trò của rừng ở một số địa phương, người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, chế độ, chính sách đối với lực lượng làm công tác PCCCR chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao…

Tại hội nghị, Bộ TN&MT cho biết, dự báo năm 2024 thời tiết sẽ có nhiều bất thường, cực đoan hơn những năm trước. Nhận định trong năm, nắng nóng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Theo đó, tình trạng khô hạn, thiếu nước sẽ xảy ra diện rộng, nguy cơ xảy ra cháy rừng ở mức cao, rất cao.

Trước thực trạng đó, Bộ NN&PTNT đã đề xuất một số giải pháp như: Nâng cao năng lực về quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR, đáp ứng yêu cầu phát triển lâm nghiệp bền vững; xây dựng chính sách, chế độ, đãi ngộ phù hợp đối với đội ngũ kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng. Có cơ chế khuyến khích sự tham gia của các cá nhân, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm pháp luật về phá rừng đủ sức răn đe, giáo dục…

(0) bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hội nghị trực tuyến về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng
POWERED BY ONEPORTAL - A PRODUCT OF NEKO