Chiều ngày 07/7, UBND thành phố Tam Kỳ phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA Việt Nam) tổ chức hội thảo tham vấn Dự án xây dựng đô thị thông minh thành phố Tam Kỳ. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan, đại diện đơn vị tư vấn và tổ chức KOICA.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ cho biết, trong hơn 1 năm qua, với sự chỉ đạo thường xuyên của Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam, các đơn vị tư vấn và vào cuộc tích cực, tiếp tục làm việc với các Sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Núi Thành để bổ sung, làm rõ các ý kiến để hoàn thiện dự thảo.… Đến nay đơn vị tư vấn đã cơ bản hoàn thiện các nội dung khảo sát hiện trạng, nhu cầu hợp phần kế hoạch chiến lược vùng thông minh tỉnh Quảng Nam và Kế hoạch chiến lược đô thị thông minh thành phố Tam Kỳ để các bản dự thảo phù hợp với địa phương hơn, đảm bảo tính khả thi hơn.
Ông Nguyễn Minh Nam cho biết thêm, Hội thảo lần này cũng là dịp để đơn đơn vị tư vấn chia sẻ kết quả đã nghiên cứu; tham vấn ý kiến của các chuyên gia, làm cơ sở xây dựng hoàn thiện kế hoạch chiến lược phát triển Tam Kỳ trở thành đô thị thông minh bền vững.
Tại hội thảo, đơn vị tư vấn đã chia sẻ về kết quả thực hiện Hợp phần xây dựng kế hoạch chiến lược vùng thông minh tỉnh Quảng Nam và xây dựng đô thị thông minh thành phố Tam Kỳ; kinh nghiệm điển kinh trong xây dựng Dịch vụ thí điểm và Trung tâm điều hành tổng hợp tại nước ngoài (Hàn Quốc, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ). Đồng thời tổ chức thảo luận nhóm về các nội dung liên quan đến định hướng cơ bản và kế hoạch chiến lược về xây dựng đô thị thông minh…
Được biết, Dự án xây dựng đô thị thông minh thành phố Tam Kỳ do KOICA tài trợ với kinh phí 9 triệu USD, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, mục tiêu của dự án hướng tới xây dựng đô thị Tam Kỳ trở thành “thủ phủ thông minh”, kết nối đô thị và con người bằng dữ liệu với nhiều dịch vụ chung như: wifi, camera giám sát giao thông, tội phạm, thông tin đất đai, giao thông, khám chữa bệnh; và các dịch vụ đặc thù như: thông tin ngập lụt, nguồn lực- hạ tầng du lịch, khu công nghiệp…Qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho đô thị, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giúp người dân có cơ hội bình đẳng về tiếp cận dịch vụ, được thụ hưởng những tiến bộ do khoa học công nghệ mang lại.