Sáng ngày 12/9/2022, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì hội nghị Giao ban quản lý nhà nước quý III/2022 với các cơ quan chuyên trách về CNTT và các Bộ, ngành và 63 Sở Thông tin và Truyền thông trong cả nước theo hình thức trực tuyến.
Tại hội nghị, đại diện Bộ TTTT trình bày các nội dung: Trợ lý ảo về TT&TT (Kiki@gov.vn) hướng đến đối tượng phục vụ là cán bộ, công chức, viên chức của Bộ TTTT; Nền tảng quản trị tổng thể giúp người sử dụng tối ưu được hiệu suất, chất lượng giải quyết công việc thông qua thấu hiệu hành vi của chủ thể; Cổng thông tin về dự án đầu ƯDCNTT, giúp chủ đầu tư nắm bắt thông tin về các dự án CNTT trên cả nước.
Theo báo cáo tại hội nghị, nền kinh tế vĩ mô ổn định đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bưu chính (DNBC) tăng trưởng về sản lượng lẫn doanh thu. Qua theo dõi thị trường, các DNBC lớn dự báo kết quả doanh thu Quý III/2022 đạt 9,9 nghìn tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ 2021. Thời gian qua, có 53 sở TTTT phối hợp tốt với Bộ (Vụ Bưu chính) trong thực thi kế hoạch kiểm tra chất lượng dịch vụ BCCI, điều tra thống kê, đồng thời, có góp ý cho dự thảo báo cáo tổng kết, đánh giá thi hành Luật Bưu chính.
Doanh thu dịch vụ viễn thông tháng 8/2022 tăng 0,74% so với tháng 7/2022. Báo cáo chỉ ra rằng, nếu tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 1%/tháng được duy trì thì đến cuối năm 2022 sẽ đạt khoảng 85 triệu thuê bao tương đương 85 TB/100 dân, đạt mục tiêu phát triển ngành. Hiện tại ước đạt 83 TB/100 dân, xếp thứ 82/144 nước xếp hạng. Tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money lũy kế đến hết tháng 7/2022 đạt gần 2 triệu khách hàng, tăng 440% so với cuối năm 2021. Tổng số lượng các giao dịch (nạp, rút, chuyển tiền, thanh toán) bằng Mobile Money là gần 13 triệu giao dịch với tổng giá trị các giao dịch là hơn 740 tỷ tổng.
Ở lĩnh vực chuyển đổi số, tính đến 20/8/2022, có 119.464 dịch vụ hành chính công trực tuyến (DVCTT) do các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh cung cấp: Trong đó số lượng DVCTT mức độ 3, 4 là 84.285; tỷ lệ DVCTT mức độ 4: 97.3%. Từ ngày 01/01/2022 đến ngày 7/9/2022 đã phát sinh 409 triệu giao dịch trên nền tảng NDXP (tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2021). Cùng với đó, đã có 48.538 tổ Công nghệ số cộng đồng được thành lập trên phạm vi cả nước, với 225.417 thành viên, qua đó đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân ở từng hộ gia đình.
Trong quý II/2022, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt 10,4%, tính đến 19/8/2022, Chương trình SMEdx đã có khoảng 379.865 doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận và trải nghiệm các nền tảng số Make in Việt Nam xuất sắc do Chương trình tuyển chọn, và có 56.267 doanh nghiệp chính thức sử dụng các nền tảng của Chương trình. Song song với đó, lĩnh vực Công nghiệp ICT đã có những bước phát triển nhất định khi các chỉ số đều cho thấy sự tăng trưởng. Theo đó: Doanh thu công nghiệp CNTT 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt 97 tỷ USD, tăng trưởng 15,4% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử ước đạt khoảng 76,6 tỷ USD, tăng khoảng 11,4% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp công nghệ số ước đạt 68.400 tăng trên 500 doanh nghiệp so với tháng 7/2022, đạt tỷ lệ xấp xỉ khoảng 0,695 doanh nghiệp/1.000 dân.
Đối với lĩnh vực Báo chí, có 815 cơ quan báo chí in và báo chí điện tử đang hoạt động, trong đó có 138 cơ quan báo chí và 677 tạp chí, các cơ quan thông tấn đã tích cực tham gia phổ biến, tuyên truyền về tình hình kinh tế - xã hội trên cả nước và tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19, cúm A, cúm B, đậu mùa khỉ, v.v… Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý đã tăng cường thực hiện công tác đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội xuyên biên giới. Tập trung rà soát, bóc gỡ các kênh thông tin xấu độc, các fanpage phản động. Yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ các tài khoản, fanpage vi phạm, kênh Youtube xấu độc tại Việt Nam.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao những kết quả mà ngành CNTT&TT đạt được trong quý III. Đồng thời, quán triệt một số nội dung quan trọng như: Chú trọng sản xuất các ứng dụng mang giá trị thực tiễn cho người dân; xây dựng các ứng dụng dùng chung trên phạm vi cả nước, dễ dàng trong cách tiếp cận và sử dụng; vận hành hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ khi được đưa vào sử dụng; nâng cao vai trò, giá trị của tổ công nghệ số cộng đồng trong công cuộc chuyển đổi số,…