Trước tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là trong cơn bão số 3 (bão YAGI) đã cho thấy công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục còn gặp nhiều lúng túng, chưa đồng bộ và bộc lộ những hạn chế, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) ban hành hướng dẫn công tác phòng, chống thiên tai ngành TT-TT.
Theo đó, hướng dẫn công tác ứng phó thiên tai được xây dựng nhằm nâng cao năng lực phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, địa phương và doanh nghiệp trong toàn TT-TT.
Theo hướng dẫn, Bộ TT-TT phân chia 3 giai đoạn ứng phó thiên tai và yêu cầu đối với từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 (trước thiên tai) chuẩn bị các biện pháp phòng, chống ngay khi Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia phát thông tin về thiên tai xuất hiện, có thể ảnh hướng đến Việt Nam. Triển khai và thực hiện nghiêm chế độ trực lãnh đạo, trực ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và trực ứng cứu thông tin 24/24.
Giai đoạn 2 (trong thiên tai) triển khai các kịch bản, giải pháp ứng phó với thiên tai đã chuẩn bị từ trước; duy trì thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó với thiên tai của các cấp chính quyền. Ngoài các công việc đặc thù, giám sát, cảnh báo thiên tai, cần hạn chế tối đa các nhiệm vụ ngoài trời, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng con người.
Giai đoạn 3 (sau thiên tai) khắc phục hậu quả thiên tai đi qua, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành khắc phục hậu quả của thiên tai; đồng thời tổng kết rút kinh nghiệm cho các đợt thiên tai tiếp theo.
Bộ TT-TT cũng lưu ý cần thực hiện phương châm “bốn tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ” và đáp ứng tiêu chí “phòng chống từ sớm, từ xa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”.
Đặc biệt, bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng cho cán bộ công nhân viên tham gia công tác phòng chống thiên tai. Trang bị đầy đủ bảo hộ an toàn lao động cho cán bộ, nhân viên đi làm nhiệm vụ ứng cứu thông tin, bảo đảm thông tin liên lạc ngoài hiện trường.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, trong năm 2024, thiên tai xảy ra rất khốc liệt, cực đoan, diễn biến phức tạp. Theo thống kê tính đến ngày 22/11, thiên tai đã làm 513 người chết và mất tích, tổng thiệt hại kinh tế ước tính trên 84.900 tỷ đồng (năm 2023, thiên tai làm 169 chết và mất tích, thiệt hại 9.324 tỷ đồng).