Thông tin chỉ đạo điều hành

Kết luận của Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo tại phiên họp thứ 3 Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025

QTI 29/10/2024 16:05

(QNP) - Ngày 23/10/2024, Ban Chỉ đạo công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 (viết tắt là Ban Chỉ đạo) tổ chức phiên họp thứ ba để nghe báo cáo kết quả vận động, phân bổ nguồn kinh phí; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh và bàn một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian đến.

Tham dự phiên họp có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo: Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Sở Thông tin và Truyền thông; đại diện Thường trực các huyện, thị, thành ủy và lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Sau khi nghe Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo báo cáo kết quả vận động và phân bổ nguồn kinh phí xã hội hóa; đồng chí Phó Trưởng ban báo cáo kết quả phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước và ý kiến phát biểu của các thành viên dự họp, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận như sau:

Nhìn chung, việc triển khai công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh sau phiên họp thứ hai được các thành viên Ban Chỉ đạo và các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp triển khai thực hiện một cách chặt chẽ. Công tác vận động ủng hộ Quỹ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh được tập trung triển khai đồng bộ, mang lại hiệu quả tích cực; công tác kiểm tra, rà soát, đôn đốc được thực hiện thường xuyên; việc phân bổ nguồn kinh phí vận động xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đảm bảo kịp thời. Đến nay, toàn tỉnh đã phân bổ 154,244 tỷ đồng/242,217 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 63,68%. Trong đó: Ngân sách tỉnh phân bổ 130 tỷ đồng; nguồn vận động ở cấp tỉnh 22,259 tỷ đồng; nguồn vận động cấp huyện đã phân bổ 1,985 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, như: Công tác phổ biến, quán triệt và chỉ đạo thực hiện tại một số đơn vị, địa phương vẫn thiếu sự tập trung, chưa đồng đều; sự chủ động lồng ghép các chương trình, dự án khác chưa thực sự hiệu quả; vẫn còn một số địa phương chậm thực hiện công tác rà soát, kiểm tra, báo cáo, xét duyệt danh sách theo yêu cầu của UBND tỉnh; kết quả giải ngân, triển khai thực hiện ở một số địa phương còn chậm, đến ngày 18/10/2024, tiến độ thực hiện Nghị quyết số 13/2023/NQ- HĐND, ngày 22/9/2023 của HĐND tỉnh trên địa bàn tỉnh mới đạt 4.410/10.945 nhà, tỷ lệ 40%...

Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, mục tiêu đã đề ra trong thời gian đến, Ban Chỉ đạo yêu cầu:

1. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh

Phát huy hơn nữa vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong việc vận động các nguồn tài trợ, đặc biệt từ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và các nhà hảo tâm đến cuối năm 2024. Chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo tỉnh làm việc với các đơn vị tài trợ đã có thông tin hỗ trợ để đôn đốc chuyển nguồn kinh phí đăng ký hỗ trợ về Ban Vận động xoá nhà tạm, nhà dột nát tỉnh.

Phối hợp với UBND tỉnh tiếp tục chuẩn bị tốt chương trình nghệ thuật với chủ đề Ngày vì người nghèo, theo hướng điều chỉnh quy mô chương trình trên tinh thần vừa phải, tiết kiệm, kết hợp với đợt tổng kết công tác vận động xoá nhà tạm, nhà dột nát tỉnh vào cuối năm 2024.

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh phân bổ nguồn vận động theo hướng tập trung hỗ trợ cho các địa phương còn ít nhà cần xóa để giải quyết dứt điểm; đồng thời, ưu tiên phân bổ kinh phí cho hộ gia đình chính sách, hộ quá khó khăn, hộ đặc biệt nghèo có nhà ở đã xuống cấp.

Phối hợp với các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của Đề án và tích cực tham gia.

Chỉ đạo MTTQ Việt Nam các cấp tăng cường và phát huy chức năng kiểm tra, giám sát của Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng trong việc triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát ở địa phương.

2. Đối với UBND tỉnh

Tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu Quyết định số 2418/QĐ-UBND, ngày 14/10/2024 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 27/2024/NQ-HĐND, ngày 26/9/2024 của HĐND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND, ngày 22/9/2023 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025; đôn đốc việc rà soát, báo cáo danh sách đối tượng thụ hưởng; phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở của các địa phương trên địa bàn tỉnh; đồng thời, rà soát, lập danh sách đối tượng ưu tiên, đủ điều kiện xây dựng, sửa chữa nhà ở để đề xuất phân bổ nguồn kinh phí thực hiện.

Chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố: Rà soát, phê duyệt danh sách, xây dựng kế hoạch chi tiết về lộ trình triển khai thực hiện, nguồn kinh phí thực hiện cụ thể cho từng đối tượng; chủ trì xét chọn đối tượng và đề nghị Ban Vận động cùng cấp phân bổ nguồn kinh phí vận động tại địa phương để hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát cho các đối tượng đảm bảo theo quy định.

Phân bổ kinh phí từ nguồn ngân sách để các địa phương chủ động triển khai hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho các đối tượng; đồng thời, chỉ đạo điều chuyển nguồn kinh phí đã cấp cho các địa phương nhưng hết đối tượng hỗ trợ theo quy định.

Tăng cường kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tại các địa phương trong việc sử dụng các nguồn kinh phí được phân bổ, đảm bảo hiệu quả, đúng đối tượng, không cấp trùng, cấp thiếu, không để tồn đọng nguồn.

Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, xử lý các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là vấn đề pháp lý đất đai, nguồn vật liệu xây dựng...

Chủ động làm việc với Văn phòng Giảm nghèo Quốc gia, Văn phòng Chính phủ để thông tin về tài khoản tiếp nhận nguồn 45 tỷ đồng (nguồn Vợ Chồng Anh hùng lao động Lê Văn Kiểm) đã được trao biển hỗ trợ tại buổi phát động Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát ngày 05/10/2024 của Chính phủ và nguồn ngân sách Trung ương chưa hỗ trợ (36,379 tỷ đồng) để thực hiện hỗ trợ cho 6 huyện nghèo theo Đề án và Quyết định số 1245/QĐ-UBND, ngày 15/6/2023 của UBND tỉnh.

Phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chuẩn bị các điều kiện tổ chức tốt chương trình nghệ thuật nêu trên theo Kế hoạch.

3. Đối với các thành viên BCĐ: Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ theo Thông báo phân công và Kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo đảm bảo thực hiện có hiệu quả các chủ trương về xóa nhà tạm, nhà dột nát đã đề ra. Trong đó, đề nghị:

Sở Xây dựng: Làm đầu mối thống kê số lượng đối tượng thuộc diện được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh; cập nhật đầy đủ, không chồng chéo, trùng lắp đối tượng. Tham mưu UBND tỉnh có văn bản hướng dẫn địa phương giải quyết các vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, quy hoạch, giá vật liệu xây dựng... đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định; nhất là công tác đền bù, giải tỏa liên quan về đất ở cho các đối tượng vùng dự án nhưng chưa có đất tái định cư. Đồng thời, hướng dẫn chặt chẽ về quy trình, biểu mẫu gửi cho các địa phương để thống nhất báo cáo.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Rà soát danh sách, đối tượng hộ đặc biệt nghèo, hộ người có công để đề xuất ưu tiên sớm bố trí kinh phí thực hiện. Làm đầu mối tham mưu, đề xuất phân bổ nguồn ngân sách và nguồn vận động đảm bảo theo quy định; trong đó, cần rõ về số lượng, mức kinh khi được hỗ trợ tương ứng với từng đối tượng.

Sở Tài chính: Cân đối, tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn ngân sách còn lại cho các địa phương và hướng dẫn thanh quyết toán các nguồn kinh phí đảm bảo theo quy định.

Nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để hỗ trợ cho các hộ nghèo (thuộc đối tượng được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát) của 6 huyện miền núi vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở theo quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường: Tham mưu, hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về nguyên vật liệu xây dựng, sửa chữa nhà ở để các địa phương triển khai thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Ban Dân vận Tỉnh ủy: Chủ trì, phối hợp với BCH Quân sự tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện dự thảo Kế hoạch tổ chức các lực lượng giúp dân xây dựng, sửa chữa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đảm bảo hoạt động hiệu quả, chất lượng.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền đối với công tác này.

Đề nghị Ban Dân tộc tỉnh: Nắm chắc số lượng thực hiện Đề án 1245 và các Đề án khác liên quan; đồng thời, nắm rõ, đề xuất xử lý các vướng mắc, khó khăn trong quá trình chỉ đạo, triển khai.

5. Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh: Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia ủng hộ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh bằng các hình thức phù hợp với điều kiện của mình.

6. Các huyện, thị, thành ủy

Xem công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương là nhiệm vụ ưu tiên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Đối với các địa phương chưa thành lập Ban chỉ đạo, khẩn trương thành lập; đồng thời, thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương; duy trì chế độ hội, họp theo Quy chế; phân công đơn vị làm đầu mối thống kê, cung cấp số liệu đối tượng được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương.

Rà soát cụ thể, không để chồng chéo đối tượng và phê duyệt danh sách, xác định đối tượng ưu tiên, định kỳ hằng tháng gửi Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh (nếu có phát sinh, thay đổi); kịp thời đề xuất kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh, nguồn quỹ vận động tỉnh chậm nhất đến cuối tháng 11/2024 để xem xét phân bổ, hỗ trợ triển khai thực hiện.

Tuyên truyền, vận động người dân nỗ lực vươn lên, cố gắng đối ứng thêm nguồn kinh phí để xây dựng, sửa chữa nhà ở, không chây ỳ, trông chờ, ỷ lại.

Quan tâm chỉ đạo chuẩn bị nguồn nhân lực, huy động lực lượng bộ đội, dân quân tự vệ, thanh niên... địa phương hỗ trợ nhân công để giúp người dân xây dựng, sửa chữa nhà ở sau khi tỉnh ban hành Kế hoạch nhằm giảm chi phí cho các đối tượng.

Chủ động khắc phục các khó khăn, vướng mắc tại địa phương, có giải pháp giải quyết về vật liệu xây dựng, tạo thuận lợi cho người dân để xây dựng, sửa chữa nhà.

Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc cấp dưới trong việc triển khai thực hiện chủ trương này, đảm bảo đúng đối tượng; xử lý nghiêm các trường hợp những nhiễu, lợi dụng chính sách để trục lợi.
Đối với các địa phương đã thực hiện xong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát được phê duyệt trong giai đoạn 2023 - 2025, tiếp tục vận động đến hết năm 2024; đồng thời, chuyển nguồn kinh phí vận động về Ban Vận động tỉnh để thực hiện mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát chung trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, các địa phương chủ động thực hiện việc hỗ trợ cho các đối tượng khác sửa chữa nhà ở đã xuống cấp, dột nát (ngoài đối tượng theo Nghị quyết số 13 và Đề án 1245).

7. Đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa triển khai việc ủng hộ quỹ trong năm 2024, tăng cường vận động, ủng hộ từ nay đến cuối năm 2024 để đảm bảo thực hiện trách nhiệm và tính công bằng trong thực hiện chủ trương chung của tỉnh.

8. Đối với kiến nghị về chủ trương dừng việc vận động quỹ xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cán bộ, công chức, người lao động, lực lượng vũ trang... và Nhân dân; việc trích một phần kinh phí còn thừa từ nguồn này (sau khi hoàn thành nhiệm vụ xoá nhà tạm, nhà dột nát cho các đối tượng theo Nghị quyết 27 của HĐND tỉnh) chuyển sang nguồn Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh để thực hiện chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh: Giao Ủy ban MTTQ Việt Nam - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến.

Căn cứ ý kiến kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện.

(0) bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kết luận của Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo tại phiên họp thứ 3 Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025
POWERED BY ONEPORTAL - A PRODUCT OF NEKO