Bằng các nguồn chính sách hỗ trợ đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2022, đời sống người dân tại địa bàn khó khăn của tỉnh có bước chuyển biến tích cực và ngày càng được nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Alăng Mai - Trưởng ban Dân tộc tỉnh, mặc dù thiên tai, bão lũ liên tiếp xảy ra nhưng với tinh thần vượt qua khó khăn, các địa phương miền núi đã xây dựng thành công kế hoạch phát triển, đảm bảo ổn định đời sống kinh tế - xã hội của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Bên cạnh quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng và trang thiết bị y tế cơ sở, các huyện miền núi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng trong phòng bệnh truyền nhiễm, đặc biệt tại các tuyến biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Đến nay, cả 14 xã biên giới có trạm y tế và bác sĩ phục vụ, đáp ứng nhu cầu khám sức khỏe ban đầu của nhân dân.
Từ ngân sách hỗ trợ hằng năm, cán bộ y tế cơ sở đều được hỗ trợ nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng thực hiện công tác y tế dự phòng. Đồng thời thường xuyên triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh, giám sát hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật sau đào tạo… từng bước nâng cao trình chuyên môn nghiệp vụ phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân các địa phương.
Ngoài kịp thời tham mưu UBND tỉnh phân bổ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc giá phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025, Ban Dân tộc tỉnh đảm nhận đầu tư thực hiện 5 dự án quan trọng giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tạo động lực phát triển kinh tế của miền núi.
Từ nguồn vốn phân bổ ngân sách, các địa phương, đơn vị đang tập trung triển khai dự án liên quan, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội miền núi theo hướng đa chiều, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững trong tương lai.
“Chúng tôi cũng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ bình đẳng giới, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân… Qua đó, giúp tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, để cộng đồng ngày càng tiến bộ, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống” - ông Mai nói.
Không nằm ngoài mục tiêu giảm nghèo, các hoạt động hỗ trợ đều gắn với nâng cao nhận thức, thông qua công tác tuyên truyền, vận động và bồi dưỡng kiến thức về công tác dân tộc, chính sách dân tộc.
Trong đó, lấy vai trò của già làng, người có uy tín làm nòng cốt phát huy các giá trị cộng đồng, từ đó nhân rộng các mô hình tiêu biểu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao dân trí gắn với đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, hướng đến mục tiêu cuối cùng là giảm nghèo bền vững...
Theo kết quả sơ bộ rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, Quảng Nam hiện có 29.829 hộ nghèo (tỷ lệ 6,8%), giảm 3.318 hộ so với 2021 (giảm 0,8%). Kết quả giảm nghèo toàn tỉnh năm 2022 vượt chỉ tiêu tỉnh giao tại Quyết định 467 ngày 23/2/2022 (chỉ tiêu giao 3.000 hộ); tỷ lệ giảm vượt chỉ tiêu được giao tại Quyết định 653 ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ (chỉ tiêu giao 0,3-0,4%).