Tin tức

Kiên định với mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh

THÚY HẰNG22/06/2025 20:28

(QNP) - Chiều ngày 22/6, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025. Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Quảng Nam có sự tham dự của Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết; Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cùng đại diện các Sở, Ban, ngành liên quan của tỉnh.

z6730619545477_8134969ef75213327487df6505080180.jpg
Điểm cầu Quảng Nam.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã cơ bản hoàn thành toàn bộ các mục tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao, trong đó, có 5/8 chỉ tiêu chủ yếu đã hoàn thành, vượt mức mục tiêu đề ra.

Cả nước đã có 6.084/7.669 xã (79,3%) đạt chuẩn; 2.567 xã (42,2%) đạt chuẩn NTM nâng cao; và 743 xã (12,2%) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

329/646 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM. Trong số các huyện đạt chuẩn NTM đến nay, đã có 48/240 huyện (20%) đã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Có 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, có 19 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM và 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM. Có 12 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Theo thống kê, thu nhập bình quân năm 2024 đạt khoảng 54 triệu đồng/người/năm (tăng 1,3 lần so với năm 2020), dự kiến năm 2025 đạt khoảng 58 triệu đồng/người/năm (tăng 1.4 lần so với năm 2020, cơ bản hoàn thành mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 được giao).

Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững, đã đạt và vượt các chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm do Quốc hội và Chính phủ giao. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều bình quân giảm 1,03%/năm đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo bình quân giảm 6,7%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số bình quân giảm 4,45%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Có 19 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn, đạt 35%, vượt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ giao (30%). Đến nay, có 03 huyện nghèo được công nhận thoát nghèo4, dự kiến năm 2025 sẽ có thêm 19 huyện thoát nghèo (theo đăng ký của địa phương), đạt 30% theo mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

images.baoquangnam.vn-storage-newsportal-2023-9-10-147657-_tnb-60349.png
Nông thôn mới Quảng Nam khởi sắc. Ảnh: Báo Quảng Nam.

Tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu kỳ là 2.393.332 hộ dự kiến cuối năm 2025 còn 1.256.197 hộ, đạt 52,49%, vượt 2,49% so với chỉ tiêu giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia.

100% các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đầu tư cơ sở hạ tầng, với trên 2.600 công trình.

100% lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được tư vấn, hướng nghiệp, kết nối thị trường lao động. Hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho trên 130 nghìn lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Đã triển khai trên 10.500 mô hình sinh kế.

Cùng với đó, 2 phong trào thi đua đã có sức lan tỏa rộng khắp trên tất cả các vùng, miền, lĩnh vực, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia hưởng ứng tích cực của nhân dân, doanh nghiệp góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp, văn minh và công tác giảm nghèo bền vững đạt kết quả tích cực trên nhiều tiêu chí.

Nhiều cơ chế, chính sách được ban hành đã phát huy hiệu quả, huy động được nguồn lực lớn trong nhân dân, được người dân đồng tình ủng hộ và hưởng ứng tham gia, tạo khí thế thi đua sôi nổi, sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh, góp phần tích cực thay đổi nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới và phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững. Công tác phát hiện bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến được chú trọng thực hiện theo "4 khâu": phát hiện - bồi dưỡng - khen thưởng - nhân rộng.

Khẳng định vai trò của nông nghiệp-nông thôn-nông dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Mặc dù trong điều kiện kinh tế thế giới có nhiều biến động, suy thoái, đại dịch COVID-19… nhưng kinh tế Việt Nam vẫn giữ vững, thậm chí trên đà tăng trưởng. Nếu không có nông nghiệp-nông dân- nông thôn làm trụ đỡ thì không thể ổn định kinh tế vĩ mô.

img6177-1750591349027712920717.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

Định hướng nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cả hệ thống chính trị cần tiếp tục thực hiện các chương trình, phong trào thi đua, kiên trì, kiên định để thực hiện bằng được mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh như Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra và mục tiêu giảm nghèo toàn diện, bao trùm và bền vững.

Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế để phục vụ nông dân là trung tâm, là chủ thể, nông nghiệp là động lực, nông thôn là nền tảng của sự phát triển.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng xanh và bền vững. Xây dựng, phát triển người nông dân phù hợp với giai đoạn cách mạng mới, sự phát triển mới, chính quyền địa phương 2 cấp. Đồng thời, đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp phù hợp nhu cầu và sự hưởng thụ của người dân Việt Nam và người tiêu dùng thế giới; đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong nông nghiệp; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông nghiệp.

Thủ tướng cũng nhắn nhủ đến người nông dân cần tiên phong thoát nghèo và thi đua làm giàu từ bàn tay, khối óc trên quê hương mình; tiên phong xây dựng nông dân văn minh; tiên phong sản xuất xanh, bền vững, chuyển đổi số và đặc biệt là triển khai phong trào Bình dân học vụ số, xây dựng nền kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số, công dân số.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để giải phóng nguồn lực; đào tạo nhân lực; đầu tư hạ tầng; làm tốt các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Việc triển khai các chương trình, phong trào phải sống động, thực chất, mang lại hiệu quả cân đong đo đếm được; đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, có công cụ để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong quá trình thực hiện.

(0) bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kiên định với mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh
POWERED BY ONEPORTAL - A PRODUCT OF NEKO
EMC Đã kết nối EMC