Chiến thắng Thượng Đức (7/8/1974 - 7/8/2024) đã qua 50 năm nhưng âm vang của nó vẫn mãi mãi lưu truyền trong đông đảo cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân. Kỷ niệm sự kiện lịch sử trọng đại này, chúng ta nguyện ghi ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu để viết nên những trang sử hào hùng, không ngừng nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, chủ động đối phó âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; ra sức phát huy truyền thống, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hoàn thành mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
1. Thượng Đức - “cánh cửa thép” bảo vệ Đà Nẵng
Quận Thượng Đức được chính quyền ngụy Ngô Đình Diệm thành lập theo Nghị định 74-NV, ngày 02/3/1959 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, trên cơ sở đổi tên quận Hiên Giằng[1]. Quận lỵ đóng tại thôn Hà Tân (nay thuộc xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc). Thượng Đức là địa bàn rất hiểm yếu, ba bề là núi cao, có nhiều dốc đứng, phía đông bằng phẳng, là nơi hợp điểm của sông Côn và sông Vu Gia. Ở đây chỉ có một tuyến đường 14 đi qua Ái Nghĩa về Đà Nẵng. Trước Hiệp định Pa-ri, nhiều vùng ở Thượng Đức là vùng hậu cứ của quân giải phóng ở Mặt trận 4 (Mặt trận Quảng Đà). Sau Hiệp định Pa-ri, bằng chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, Mỹ- ngụy từng bước lấn chiếm lại khu vực này và ra sức xây dựng Thượng Đức trở thành tiền đồn để bảo vệ căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng của địch và khống chế tuyến đường 14 của ta ở phía Tây Quảng Đà.
Nhằm biến Thượng Đức trở thành “cánh cửa thép” bảo vệ Đà Nẵng, Mỹ- ngụy xây dựng ở đây hệ thống hầm ngầm, công sự kiên cố bằng bê tông cốt thép; chia Thượng Đức làm ba khu vực: phía Bắc là chi khu quận lỵ; trước chi khu quận lỵ là sân bay trực thăng. Phía Tây Bắc là khu trận địa pháo và ban chỉ huy Tiểu đoàn 79 Biệt động quân biên phòng. Phía Nam là khu bảo an, quận lỵ và cảnh sát. Để bảo vệ vòng ngoài, địch thiết lập ba tiền đồn A,B,C. Lực lượng địch tại Thượng Đức gồm Tiểu đoàn 79 Biệt động biên phòng, đại đội Bảo an 704, trung đội pháo 105mm, trung đội Cảnh sát dã chiến, trung đội Thám báo, biệt đội sưu tầm và 21 trung đội dân vệ. Hỏa lực của địch có 18 khẩu pháo, cối các loại và 27 đại liên. Tổng số quân địch ở Thượng Đức vào thời điểm tháng 7/1974 lên đến 1.600 tên (chưa kể lực lượng phòng vệ dân sự) và ba ban hội đồng của ba xã Lộc Bình, Lộc Vĩnh, Lộc Ninh với nhiều tên ác ôn khét tiếng. Trong các năm 1968, 1969 và 1970, ta đã nhiều lần đánh Thượng Đức nhưng không thành. Điều đó càng làm cho địch thêm ảo tưởng về sức mạnh của Thượng Đức, chúng mệnh danh Thượng Đức là “mắt ngọc của đầu rồng”, là “cánh cửa thép bất khả xâm phạm”. Chúng huênh hoang tuyên bố: “Nước sông Vu Gia chảy ngược thì Việt Cộng mới lấy được Thượng Đức”. Với ta, Thượng Đức như một cái gai khống chế cả huyện Đại Lộc, đặc biệt là các xã vùng B. Trong xu thế phát triển của phong trào cách mạng, ta phải nhổ bằng được cái gai đó để mở đường tiến về giải phóng Đà Nẵng.
2. Chủ trương của ta
Hiệp định Pa-ri được ký kết là thắng lợi to lớn, tạo ra những tiền đề vững chắc để quân và dân ta tiến lên giành độc lập hoàn toàn, thống nhất Tổ quốc. Tuy nhiên, với âm mưu phá hoại Hiệp định Pa-ri, quân ngụy đưa lực lượng cơ động vào thực hiện mưu đồ lấn chiếm, “tràn ngập lãnh thổ”, phân tuyến, chia vùng, giành dân, lấn đất, xóa thế “da báo”, đẩy lực lượng cách mạng, nhất là lực lượng chủ lực quân giải phóng ra khỏi vùng đồng bằng và đô thị.
Trước tình hình Mỹ- ngụy trắng trợn vi phạm Hiệp định Pa-ri, Nghị quyết số 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III nêu rõ: “Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình huống nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên”[2]. Đồng thời nghị quyết đề ra phương châm đấu tranh “Vận dụng phương châm đấu tranh phải gắn liền với yêu cầu giành dân, giành quyền làm chủ là nhằm giành thế mạng để thắng địch. Hướng phản công và tiến công của ta hiện nay phải nhằm đánh bại kế hoạch bình định và lấn chiếm của địch, đặc biệt là vùng đồng bằng và vùng giáp ranh…”[3]. Trên tinh thần đó, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết là phải tiến hành“phản công và tiến công” địch.
Thực hiện chủ trương trên, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 lãnh đạo quân và dân Khu 5 kiên quyết sử dụng lực lượng địa phương và một phần lực lượng chủ lực đáp trả.
Giữa năm 1974, Ban Thường vụ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định mở chiến dịch tổng hợp Thu 1974. Chủ trương của chiến dịch là: “Tập trung lực lượng mở chiến dịch tấn công tổng hợp, tiêu diệt một số chi khu quận lỵ kiên cố của địch, hoàn thành những quả đấm chủ lực mạnh đánh vỡ từng đoạn phòng ngự của địch ở chiến trường giáp ranh đồng bằng, mở rộng vùng giải phóng nối liền với căn cứ tạo thành một cụm liên hoàn trong thế trận chiến tranh nhân dân”[4]. Đồng thời xác định chiến trường trọng điểm hoạt động là Quảng Nam, Quảng Đà, Quảng Ngãi với 3 khu chiến: Khu chiến Nông Sơn -Trung Phước; Khu chiến Thượng Đức (Quảng Đà) và Khu chiến Phù Mỹ (Bình Định).
3. Diễn biến Chiến dịch giải phóng Thượng Đức
Thực hiện chủ trương của Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, đầu tháng 6 năm 1974, Sư đoàn 304 được chỉ thị vào phối hợp với lực lượng vũ trang Quân khu 5 mở chiến dịch Thượng Đức để tiêu diệt chi khu quân sự và quận lỵ Thượng Đức. Chiến dịch mang mật danh K.711. Thời điểm này, tại Thượng Đức, lực lượng ta tham gia chiến dịch có Trung đoàn 66 bộ binh và lực lượng pháo binh Trung đoàn 68 thuộc Sư đoàn 304, Trung đoàn 3 bộ binh thuộc Sư đoàn 324, Tiểu đoàn 1 công binh thuộc Lữ đoàn 219, Đại đội tên lửa A.72, Đại đội tên lửa B.72 của Quân đoàn 2, hai Tiểu đoàn của bộ đội địa phương tỉnh Quảng Đà, một Tiểu đoàn đặc công của Quân khu 5, bộ đội địa phương và sau này được tăng cường thêm Trung đoàn 24 thuộc Sư đoàn 304.
Ngày 6/6/1974, tại sở chỉ huy Sư đoàn 304 đặt ở khu vực ngầm sông Bung trên trục đường 14, đồng chí Chu Huy Mân - Tư lệnh Quân khu 5 đến giao nhiệm vụ cụ thể, đồng chí nhấn mạnh:“Chiến dịch này phải thắng cả về quân sự và chính trị. Quân sự là diệt gọn quân địch tại chỗ, thu hút, giam chân và tiêu diệt một bộ phận lực lượng cơ động của địch. Chính trị là giải phóng bảo đảm đời sống cho hơn 10 nghìn dân, đập tan chính quyền cơ sở và tề điệp ác ôn, giữ vững vùng giải phóng, đánh bại quân địch đến giải toả, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch tiến công tổng hợp của quân khu phát triển và giành thắng lợi”[5].
Bước vào chiến dịch, một trong những khó khăn lớn nhất của Sư đoàn 304 là việc mở đường để kịp thời vận chuyển vũ khí, triển khai lực lượng chiến đấu. Chỉ huy Sư đoàn 304 quyết định sử dụng lực lượng công binh của sư đoàn phối hợp với quân và dân Quảng Đà mở tuyến đường từ T’rao đến Thượng Đức. Một bộ phận công binh của Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 còn tổ chức trận địa đóng cọc chăng dây, bẫy mìn trên sông Vu Gia để chặn đường rút về Đà Nẵng bằng đường sông của địch. Sau một thời gian lao động khẩn trương, từ trục đường chính, ta có 100km đường mới, toả ra xung quanh đưa lực lượng vào bao vây Thượng Đức. Đến ngày 20/7/1974, công tác mở đường đã hoàn thành.
Để có sự phối hợp chặt chẽ trong tác chiến, thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch, Ban Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 304 quyết định phân công nhiệm vụ tác chiến cho các đơn vị; theo đó:
- Trung đoàn 66 bộ binh đảm nhiệm trận then chốt, tiến công tiêu diệt chi khu quân sự và quận lỵ Thượng Đức. Tiểu đoàn 7 đảm nhiệm trên hướng chủ yếu, từ hướng Đông đánh thẳng vào khu vực Tiểu đoàn 79 biệt động. Tiểu đoàn 9 đánh hướng thứ yếu với ba đại đội, hai đại đội từ hướng Tây Bắc đánh vào khu bảo an và quận lỵ, đại đội còn lại chặn địch ở cầu Hà Tân, không cho địch rút chạy. Tiểu đoàn 8 là lực lượng dự bị.
- Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 tiến công tiêu diệt địch ở đồn Ba Khe và bao vây địch ở điểm cao 52, trong đó, Đại đội 17 của Trung đoàn 3, tổ chức cắm cọc và gài mìn, làm vật cản trên sông Vu Gia ở đoạn cuối thôn 15, lực lượng còn lại sẵn sàng đánh địch rút chạy về Đà Nẵng và từ Đà Nẵng lên ứng cứu.
- Tiểu đoàn 10 bộ đội địa phương đảm nhiệm diệt địch đóng ở các thôn 12, 13, 14, 15 và một số đồn xung quanh Thượng Đức.
Theo kế hoạch, đúng 5 giờ sáng ngày 29/7/1974, Bộ Tư lệnh chiến dịch phát lệnh tiến công Thượng Đức. Hai phát pháo hiệu xanh, đỏ vút lên không trung và tín hiệu “Bão táp” được truyền đi toàn mặt trận báo hiệu chiến dịch bắt đầu.
Pháo binh ta lập tức dồn dập nã đạn vào Thượng Đức. Ngay từ loạt đạn đầu, tên quận trưởng bị thương nặng. Cả cứ điểm chìm trong khói lửa của hỏa lực ta. Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 nổ súng chậm hơn 15 phút so với toàn mặt trận vì sương mù không rõ mục tiêu. Hỏa lực trung đoàn dội xuống Ba Khe, động Hà Sống. Đến sáng ngày 29/7/1974, làm chủ được khu vực Ba Khe, diệt được nhiều tên và bắt sống 8 tên địch. Tiền đồn phía đông Thượng Đức đã bị ta chiếm. Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 3 do Tiểu đoàn trưởng chỉ huy nhanh chóng bao vây động Hà Sống, chốt đường bộ và đường sông, ngăn chặn bọn địch từ Thượng Đức về và từ Hà Sống lên chi viện. Các đơn vị khác cũng làm chủ nhiều thôn xóm. Tiểu đoàn 10 bộ đội địa phương làm chủ các mục tiêu được phân công, tạo thành thế trận bao vây chia cắt địch ngay từ đầu. Cờ Giải phóng tung bay trên các thôn xóm quanh quận lỵ Thượng Đức.
Sau những giờ đầu bị bất ngờ, từ sáng ngày 29/7/1974, địch bắt đầu tổ chức lại lực lượng, ra sức chống trả quyết liệt. Khu vực mục tiêu chính do Trung đoàn 66 đảm nhận vẫn không tổ chức xung phong được, vì cả hai hướng đều chưa tạo được cửa mở vào cứ điểm. Các đồng chí chỉ huy Trung đoàn 66 quyết tâm chuyển sang đánh bộc phá liên tục để mở cửa, nhưng do không chuẩn bị trước, nên chưa thể thực hiện được. Về phía địch, do vị trí quan trọng của Thượng Đức nên chúng cố sức “tử thủ”.
Ngay sau khi ta nổ sung tấn công Thượng Đức, trong các ngày 29, 30/7/1974, chỉ huy Quân khu 1 của địch cho máy bay ở Đà Nẵng liên tục xuất kích chi viện cho quân đồn trú của chúng ở Thượng Đức. Địch dựa vào hầm ngầm, công sự và hệ thống hỏa lực dày đặc ngoan cố đánh cản các đợt xung phong của bộ binh ta, vừa ráo riết tổ chức lực lượng phản kích chiếm lại các vị trí đã mất. Cuộc chiến đấu trở nên gay go, quyết liệt. Ngày 31/7/1974, ngày thứ 3 của trận đánh, Tiểu đoàn 8 nhận nhiệm vụ thay Tiểu đoàn 7 tiếp tục tiến công nhưng cả ba lần xung phong vẫn không thành công. Bộ đội bị thương vong; Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 bị thương, phải đưa về tuyến sau.
17 giờ ngày 31/7/1974, trước diễn biến phức tạp của trận đánh then chốt, chỉ huy Sư đoàn 304 lệnh cho Trung đoàn 66 tạm ngừng tiến công, chuyển sang giữ vững địa bàn đã chiếm được, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Ban Thường vụ Đảng ủy Sư đoàn 304 đã họp hội nghị mở rộng, đánh giá tình hình và bàn cách tổ chức đợt tiến công mới. Hội nghị quyết định chủ trương tiếp tục sử dụng Trung đoàn 66 đánh địch trên hướng chủ yếu, tổ chức rút kinh nghiệm, củng cố về tư tưởng, tổ chức và cách đánh, quyết tâm tiêu diệt chi khu quận lỵ Thượng Đức.
Để chỉ huy chặt chẽ trong từng bước tác chiến, đảm bảo chắc thắng, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định tăng cường chỉ huy ở tất cả các khâu, chú trọng các đơn vị trực tiếp chiến đấu. Theo đó, đồng chí Nguyễn Chánh - Phó Tư lệnh Quân khu 5 cùng đồng chí Hoàng Đan - Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 và đồng chí Trần Bình - Chính ủy Sư đoàn 304 xuống trực tiếp nắm tình hình Trung đoàn 66, đồng chí Phan Hàm- Phái viên Cục Tác chiến, nguyên cán bộ chỉ huy pháo binh xuống cạnh đồng chí Phúc, Chủ nhiệm pháo binh để giúp điều hành bắn. Đồng thời, đồng chí Lê Đắc Long - Tham mưu trưởng Sư đoàn 304 được cử xuống trực tiếp làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66, đồng chí Nguyễn Sơn Văn - Phó Trung đoàn trưởng xuống trực tiếp làm Tiểu đoàn trưởng. Sự động viên kịp thời, chỉ đạo sâu sát của cấp trên đã củng cố thêm quyết tâm cho toàn đơn vị, nên gần một tuần, bộ đội ta vẫn bám trụ trận địa, củng cố công sự tạo thế xen kẽ, vây ép địch.
Từ ngày 31/7/1974 đến ngày 7/8/1974, Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 tiếp tục làm nhiệm vụ tiến công tiêu diệt địch ở động Hà Sống, thôn Hà Tân, tạo thành thế bao vây Thượng Đức. Do vậy, mặc dù Trung đoàn 66 không đánh dứt điểm được Thượng Đức, ta vẫn có điều kiện chốt giữ, đánh địch cứu viện, tạo điều kiện cho Trung đoàn 66 tổ chức lại lực lượng, rút kinh nghiệm và thực hành tiến công dứt điểm Thượng Đức trong giai đoạn sau. Để tiến công vào mục tiêu chính, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304 quyết định kéo pháo từ điểm cao 118 vào điểm cao 296 (cách địch gần 01 kilômét), thực hiện phương châm “đưa pháo lên cao, vào gần, bắn thẳng” để trực tiếp chi viện cho bộ binh xung phong.
Trong khi cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304 và lực lượng vũ trang địa phương tích cực chuẩn bị cho một đợt tiến công mới thì địch không chịu ngồi yên. Sau đợt tiến công đầu tiên của ta, quận trưởng Thượng Đức mặc dù bị thương nhưng vẫn báo cáo về Đà Nẵng và Sài Gòn là có thể giữ được Thượng Đức và yêu cầu tăng viện với hy vọng có thể giữ vững cứ điểm quan trọng này. Chỉ huy địch ở Chi khu quận lỵ Thượng Đức ráo riết đốc thúc binh lính, củng cố, tăng cường công sự, hầm hào, đồng thời tăng cường máy bay đánh phá dữ dội vào trận địa của ta. Bộ binh, xe tăng địch ở Đà Nẵng cũng rục rịch chuẩn bị mở cuộc hành quân giải tỏa.
Tình hình không cho phép ta chậm trễ. Nếu để địch tăng cường lực lượng tới Thượng Đức, trận đánh càng thêm phức tạp, bỏ lỡ thời cơ dứt điểm trận tránh. 6 giờ sáng ngày 6/8/1974, Sư đoàn 304 tiếp tục tiến công chi khu quận lỵ Thượng Đức. Tiểu đoàn 8 đảm nhiệm tiến công hướng chủ yếu vào Thượng Đức. Tiểu đoàn 9 tiến công hướng thứ yếu từ hướng Tây. Tiểu đoàn 7 là lực lượng dự bị.
Lần này địch phản ứng rất nhanh. Ta vừa bắn pháo, địch đã cho máy bay và trọng pháo đánh phá dữ dội vào các khu vực cửa đột phá. Trên cả hai hướng tiến công, quân ta nhanh chóng mở cửa đột phá và đánh chiếm được một số lô cốt ở tuyến chiến hào thứ nhất. Nhưng khi phát triển vào trung tâm, các mũi tiến công của Trung đoàn 66 bị chững lại trước hệ thống hỏa lực dày đặc của địch. Quân địch ở Thượng Đức đã không còn cơ hội rút chạy nên điên cuồng đánh trả các đợt xung phong của bộ binh ta. Trên bầu trời, các máy bay F.5 và A.37 địch liên tục bắn phá và ném bom vào khu vực hàng rào căn cứ, chi viện cho quân đồn trú ở Thượng Đức giữ vững các khu vực còn lại.
Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra giằng co quyết liệt suốt đêm ngày 6/8/1974. Hướng chủ yếu của ta bị địch ngăn chặn không phát triển được; hướng thứ yếu phát triển thuận lợi, ta đã chiếm tiền đồn A và B.
4 giờ sáng ngày 7/8/1974, Sư đoàn 304 quyết định chuyển hướng tiến công thứ yếu của Tiểu đoàn 9 thành hướng tiến công chủ yếu và tăng cường hỏa lực cho Tiểu đoàn 9 đánh chiếm khu Bảo an, dùng hỏa lực chi viện cho Tiểu đoàn 8 đánh khu Biệt động. Việc chuyển hướng tiến công đã hạn chế một phần thương vong do hỏa lực bắn thẳng và phi pháo của địch, tạo điều kiện cho ta đột phá thành công.
5 giờ 30 phút sáng ngày 7/8/1974, sau khi củng cố lại lực lượng, bố trí lại đội hình, Trung đoàn 66 mở đợt tiến công cuối cùng, đánh chiếm được toàn bộ căn cứ địch. Đúng 8 giờ 30 phút ngày 7/8/1974, lá cờ cách mạng do Đảng bộ và nhân dân Quảng Đà trao cho Sư đoàn 304 tung bay giữa chi khu quận lỵ, báo hiệu chi khu quận lỵ Thượng Đức được hoàn toàn giải phóng.
Qua 10 ngày nổ súng chiến đấu, đợt tiến công tiêu diệt chi khu quân sự Thượng Đức kết thúc thắng lợi. Các đơn vị thuộc Sư đoàn 304, 324 (Quân đoàn 2) cùng với lực lượng vũ trang địa phương đã hoàn thành trọn vẹn mục tiêu của đợt hoạt động, san bằng chi khu Thượng Đức và toàn bộ các vị trí lân cận, loại khỏi vòng chiến đấu 1.600 tên địch, bắt sống 3 mâm tề ngụy ở 3 xã Lộc Ninh, Lộc Vĩnh, Lộc Bình và tiểu đoàn 79 Biệt động quân bị diệt gọn, bắn rơi 13 máy bay, thu hơn một nghìn súng các loại; giải phóng quận lỵ Thượng Đức và các xã Lộc Ninh, Lộc Vĩnh, Lộc Bình, Lộc Quang với hơn 13.000 dân, mở ra một bàn đạp quan trọng uy hiếp căn cứ liên hợp Đà Nẵng.
Cuộc tiến công tiêu diệt quân địch trong công sự vững chắc bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng ở khu vực Thượng Đức đã giáng một đòn mạnh vào “kế hoạch bình định 3 năm 1973 - 1975” và mưu đồ kéo dài chiến tranh của Mỹ- ngụy.
Mất Thượng Đức, cánh cửa bảo vệ phía Tây khu liên hợp quân sự lớn của địch ở Đà Nẵng đã mở toang, đây là một đòn thất bại nặng cả về quân sự và tâm lý đối với địch. Bộ Tổng tham mưu ngụy quyết định điều phần lớn Lữ dù từ Quảng Trị vào Quảng Đà cùng với Sư đoàn 3 ngụy, mở cuộc hành quân chiếm lại Thượng Đức. Ngày 8/8/1974, Lữ dù ngụy đến Đà Nẵng. Tại Đà Nẵng, Sư đoàn trưởng Lữ dù ngụy hung hăng tuyên bố trước các nhà báo, sẽ đánh bại lực lượng ta ra khỏi vùng Đại Lộc trong tháng 8/1974, và “Nếu không tái chiếm được Thượng Đức thì xin thượng cấp giải tán Lữ dù”. Trước tình hình đó, Sư đoàn 304 được giao nhiệm vụ tiếp tục tổ chức chiến đấu giữ vững vùng mới giải phóng.
Ngày 16/8/1974, Lữ đoàn Dù 1 và Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 ngụy bắt đầu mở cuộc tiến công vào vùng giải phóng Thượng Đức theo hai hướng: Hướng thứ nhất theo trục đường số 14 đánh vào trận địa của Trung đoàn 3 - Sư đoàn 304 của ta ở khu vực điểm cao 52, 126, 109, Hà Nha, Bàn Tân 2. Hướng thứ hai đánh vào trận địa Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 66 trên các điểm cao phía tây Thượng Đức. Với quân số đông, lại được chi viện tối đa bởi hỏa lực mạnh, không quân, trong những ngày trung tuần tháng 8/1974, địch tổ chức tiến công ồ ạt hòng nhanh chóng chiếm các trận địa của Trung đoàn 3 để tạo bàn đạp đánh vào Thượng Đức. Sau 13 ngày tiến công vào khu vực điểm cao 52, Bàn Tân 2 không thành công, bọn chỉ huy Lữ dù ngụy quyết định bỏ hướng đường 14 để tập trung đánh lên các điểm cao 109, 700, 1062 và sử dụng lối đánh “lấn dũi” thay cho lối đánh ồ ạt đã được sử dụng trước đó. Chúng hy vọng, với cách đánh này cộng với bom, pháo bắn vào trận địa ta, quân ta sẽ bị hao mòn dần, không còn đủ sức giữ trận địa. Và khi đó, chúng sẽ “gặm nhấm” dần vùng giải phóng Thượng Đức.
Đối mặt với lực lượng tổng dự bị chiến lược của địch, ở thời điểm này, lực lượng của ta gặp rất nhiều khó khăn cả về quân số, súng đạn và thời tiết khắc nghiệt. Bên cạnh đó, đường vận chuyển, tiếp tế luôn gặp ách tắc, ăn uống thiếu thốn khiến sức khỏe của chiến sĩ ta giảm đi rõ rệt. Thêm vào đó, địch áp dụng lối đánh “lấn dũi” tỏ ra có hiệu quả, làm cho một số chốt của ta bị địch chiếm đã ảnh hưởng đến tư tưởng và tinh thần chiến đấu của một số cán bộ, chiến sĩ.
Trước tình hình đó, cuối tháng 10/1974, Đảng ủy Sư đoàn 304 họp mở rộng và thống nhất nhận định: Địch tuy chiếm được một số chốt nhưng chúng đã bị động và sa lầy ở mặt trận Thượng Đức. Quyết tâm của Đảng ủy Sư đoàn là nhanh chóng rút kinh nghiệm chiến đấu, tổ chức lại trận địa phòng ngự, nhất là hầm hào, công sự, quyết tâm chặn đứng Lữ dù, đánh bại âm mưu tái chiếm Thượng Đức.
Khi trận chiến ở Thượng Đức bước vào giai đoạn quyết liệt, đồng chí Hoàng Đan, Tư lệnh phó Quân đoàn 2 nhận lệnh trở lại Thượng Đức cùng với Trung đoàn 24 (Sư đoàn 304), hai Tiểu đoàn công binh và 4.000 viên đạn pháo cối để hỗ trợ cho lực lượng đang bảo vệ Thượng Đức. Khi đến Sư đoàn, đồng chí Hoàng Đan đề xuất với Bộ Chỉ huy Sư đoàn tạm thời dừng tiến công, tiến hành tập huấn về phòng ngự ngay cho cán bộ từ tiểu đội đến tiểu đoàn. Sau đợt tập huấn, tất cả cán bộ, chiến sĩ đều biết cách xây dựng trận địa, thông thạo cách đánh và tin tưởng ở cách đánh. Với khẩu hiệu: “Tất cả cho phía trước”, “Tất cả để chiến thắng quân dù”, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân toàn mặt trận Thượng Đức đều hướng về các trận địa chốt, lao động quên mình, khắc phục mọi khó khăn để chuyển vật liệu, đạn dược, gạo phục vụ cuộc chiến đấu mới.
Ngày 28/10/1974, Sư đoàn 304 tổ chức một trận phản kích, chiếm lại toàn bộ điểm cao 1062. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 3 Lữ dù. Tháng 11/1974, Lữ dù địch đưa tiếp Lữ dù 2 vào cuộc chiến. Bộ Chỉ huy chiến dịch của ta nhận định: Địch tung lực lượng dự bị vào không phải để thay đổi thế trận mà chủ yếu là hoạt động hỗ trợ cho Lữ dù 1 và 3 đã mất sức chiến đấu. Với lực lượng mới này, địch chỉ đủ quân để rải ra trên các tuyến chiến đấu với ta chứ không thể có lực lượng tiến công nữa.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chỉ huy chiến dịch, khi Lữ dù 2 vừa chân ướt chân ráo đến khu vực tập kết, pháo binh ta đã đánh phủ đầu khiến chúng bị thương vong khá nhiều. Ta còn cho trinh sát luồn vào nơi đóng quân của địch để tập kích trận địa pháo, đốt cháy kho đạn. Công binh của Sư đoàn 304 dùng đạn pháo chưa nổ của địch liên kết với mìn làm giàn phóng vào căn cứ của địch, gây hoang mang, lo sợ, không hiểu ta đã có vũ khí gì mới.
Đến cuối tháng 12/1974, qua 4 tháng bị giam chân ở chiến trường rừng núi, Lữ dù, một Sư đoàn được coi là thiện chiến bậc nhất nằm trong lực lượng tổng dự bị chiến lược của địch, đã bị đánh quỵ ở mặt trận Thượng Đức. Bộ đội ta đã phá sản hoàn toàn lối đánh “lấn dũi”, tiêu diệt và bắt sống 5.000 tên địch. Kế hoạch tái chiếm Thượng Đức của địch bị thất bại hoàn toàn.
4. Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Thượng Đức năm 1974
Qua gần 5 tháng chiến đấu liên tục, Sư đoàn 304 cùng với các lực lượng phối hợp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng và bảo vệ vững chắc khu vực Thượng Đức. Chiến thắng Thượng Đức là chiến công vang dội của quân ta trên chiến trường Khu 5, có ý nghĩa chiến lược quan trọng, làm thay đổi cục diện chiến trường miền Nam trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Chiến thắng Thượng Đức và các chiến thắng ở Tây Nguyên là tiền đề quan trọng để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu trong thời gian ngắn nhất giải phóng hoàn toàn Khu 5. Với Quảng Nam - Đà Nẵng nói chung và huyện Đại Lộc nói riêng, chiến thắng Thượng Đức đã tạo thế và lực mới để tiến đến tổng tấn công giải phóng huyện Đại Lộc, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất nước nhà.
Đánh giá về ý nghĩa của chiến thắng Thượng Đức, đồng chí Võ Chí Công nhận định: “Chiến thắng Thượng Đức không chỉ chặt đứt cánh cửa thép bảo vệ vòng ngoài Đà Nẵng mà còn có ý nghĩa chiến lược quan trọng vào thời gian này. Đó là thước đo về sự so sánh giữa lực lượng vũ trang ta và quân chủ lực ngụy. Từ thực tiễn đó đã góp phần cho Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương có những nhận định mới, đề ra những quyết sách đúng đắn và quyết định trong chiến lược tổng tiến công và nổi dậy vào mùa xuân năm 1975”. Trung tướng Nguyễn Chánh - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5 đã khẳng định: “Thắng lợi Thượng Đức cho ta hiểu hơn và càng yêu mến về nhân dân mình, họ đã góp máu xương, tài sản và tình cảm cho công cuộc chống kẻ thù”. Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đánh giá: “Từ trận Thượng Đức này và các trận tiêu diệt quân chủ lực địch ở Chư Nghé, Đắc Pét trên Tây Nguyên…, Bộ Tổng tham mưu đi đến nhận định và báo cáo với Quân ủy Trung ương: Khả năng chiến đấu của bộ đội chủ lực cơ động của ta đã hơn hẳn quân chủ lực cơ động địch. Chiến tranh đã bước vào giai đoạn cuối, so sánh lực lượng đã thay đổi, ta mạnh lên, địch yếu đi…”[6].
Chiến thắng Thượng Đức là biểu tượng sáng ngời về tinh thần tiến công liên tục, ý chí chiến đấu sắc đá, quả cảm của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304, 324 và các lực lượng vũ trang huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Đà. Chiến thắng ấy càng làm sáng tỏ chân lý: Trong quá trình dựng nước và giữ nước, để đánh thắng được kẻ thù phải phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân và xây dựng tình quân dân bền chặt.
5. Những bài học kinh nghiệm từ Chiến thắng Thượng Đức
Tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng Thượng Đức không chỉ bó hẹp trong phạm vi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên địa bàn huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Đà, Quân khu 5 mà vượt ra khỏi giới hạn cả không gian và thời gian. 50 năm đã trôi qua nhưng những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ chiến thắng này vẫn còn vẹn nguyên giá trị:
Thứ nhất, bài học về sự chỉ đạo tài tình, sáng suốt của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương. Khi quyết định đánh Thượng Đức, Quân ủy Trung ương, Quân khu 5 và Đặc khu ủy Quảng Đà đã nhận định, đánh giá đúng tình hình, lãnh đạo chỉ huy kiên quyết. Dù có vũ khí hiện đại cộng thêm hệ thống hầm hào, công sự kiên cố song với chiến thuật “bao vây đánh lấn” của bộ đội chủ lực ta, quân địch ở Thượng Đức đã hoàn toàn bị thất bại.
Thứ hai, phát huy sức mạnh tổng hợp của quân và dân trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong chiến dịch Thượng Đức, đã có sự kết hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực (Sư đoàn 304, Sư đoàn 324), bộ đội địa phương (Tiểu đoàn 10 Quảng Đà), với dân quân du kích các xã Lộc Bình, Lộc Ninh, Lộc Vĩnh của huyện Đại Lộc trong hợp đồng tác chiến. Chính sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các lực lượng đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, đảm bảo cho thắng lợi của chiến dịch.
Thứ ba, xác định đúng vai trò, vị trí quan trọng của công tác Đảng, công tác chính trị tư tưởng trong suốt quá trình chiến đấu. Ở những thời điểm khó khăn, cán bộ chỉ huy các cấp luôn tập trung cho công tác chính trị tư tưởng để xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chống tư tưởng sợ địch, ngại lính dù. Chính vì vậy, dù mỗi ngày chịu hàng chục đợt pháo kích song bộ đội ta vẫn anh dũng chiến đấu, quyết tâm tiêu diệt địch, đưa chiến dịch đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Chiến thắng Thượng Đức đã qua 50 năm nhưng âm vang của nó vẫn mãi mãi lưu truyền trong đông đảo cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân. Kỷ niệm sự kiện lịch sử trọng đại này, chúng ta nguyện ghi ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu để viết nên những trang sử hào hùng, không ngừng nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, chủ động đối phó âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; ra sức phát huy truyền thống, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hoàn thành mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tài liệu trích dẫn:
[1] Quận Hiên Giằng được thành lập theo Nghị định số 335-NC/P6 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa, ngày 24/6/1958, trong đó có các xã Lộc Ninh, Lộc Vĩnh, Lộc Bình trước đây thuộc quận Đại Lộc. Dẫn theo Nguyễn Quang Ân, Việt Nam - Những thay đổi địa danh và địa giới các đơn vị hành chính (1954-1997), Nxb. VHTT, H.1997, tr. 109, 121. Theo tên gọi trong văn bản là Thường Đức, sau này đọc trại thành Thượng Đức.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 34, Nxb. CTQG, H.2004, tr. 232
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 34 (1973), sđd, tr. 239.
[4] Đảng bộ Quân khu 5, Lịch sử Đảng bộ Quân khu 5 (1946-2010), tập 2 (1954-1975), Nxb. QĐND, H.2010, tr. 480
[5] Hồi ký Thượng Đức- cánh cửa thép bị mở toang, Nxb. Đà Nẵng, 1994, tr. 68.
[6] Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại thắng mùa xuân, Nxb, QĐND, H.1977, tr. 18