UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Kế hoạch được triển khai với mục đích nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, đồng thời tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về ATTP ở các cấp, các ngành; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong việc kiểm soát bảo đảm ATTP trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hội nhập trong nước và quốc tế.
Mục tiêu hướng đến trong năm 2023 là kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập, phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trên 30 người mắc nhỏ hơn 02 vụ; tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính trong vụ ngộ độc được ghi nhận dưới 7 người/100.000 dân; 90% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng, người quản lý được cập nhật kiến thức về an toàn thực phẩm; 90% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm; tỷ lệ mẫu vượt mức cho phép/tổng số mẫu được kiểm tra an toàn thực phẩm trong các chương trình giám sát về an toàn thực phẩm nông sản <6%; - Tỷ lệ mẫu vượt mức cho phép/tổng số mẫu được kiểm tra an toàn thực phẩm trong các chương trình giám sát về an toàn thực phẩm thủy sản ><4%.
Để triển khai hiệu quả kế hoạch, UBND yêu cầu các cấp ủy, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý ATTP theo đúng quy định của pháp luật về ATTP; thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác bảo đảm ATTP. Các Sở: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực an toàn thực phẩm để chỉ đạo các địa phương. Tiếp tục kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm (BCĐLNVATTP) các cấp, xây dựng Quy chế hoạt động, phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành thành viên nhằm phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả quản lý, đặc biệt là trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong công tác bảo đảm ATTP. Nâng cao trách nhiệm, chất lượng hoạt động của Tổ giúp việc BCĐLNVATTP các cấp. Tăng cường các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm theo Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đã được ký kết giữa các ngành.
Kịp thời thông tin đến người dân kết quả thanh tra, kiểm tra về ATTP, trong đó công khai tên các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm ATTP, đồng thời biểu dương các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thực hiện tốt các quy định về ATTP.
Biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn. Thông tin rộng rãi, dễ tiếp cận số điện thoại đường dây nóng và đầu mối tiếp nhận, xử lý tố giác, phản ánh của tổ chức/cá nhân về các hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả, trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin của các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở dịch vụ ăn uống, chú trọng loại hình phục vụ cho nhiều người như bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, cơ sở nấu ăn lưu động. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất, chế biến và kinh doanh…
File đính kèm: Kế hoạch.