(QNP) - Sáng ngày 29/2/2024, Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dự và chỉ đạo. Điểm cầu Quảng Nam do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tăng tốc, bứt phá thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Chủ đề năm 2024 của ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động” với những hành động cụ thể, cách làm mới, mang lại những giá trị thực chất, hiệu quả và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước và của ngành.
Theo báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2024 (EGDI) của Liên hợp quốc, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71 trong tổng số 193 quốc gia, tăng 15 bậc so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm EGDI ở mức rất cao và có vị trí xếp hạng cao nhất kể từ khi bắt đầu tham gia đánh giá EGDI của Liên hợp quốc năm 2003. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5/11 nước về Chính phủ điện tử, tăng 1 bậc so với năm 2022. Tháng 9/2024, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) cũng đã công bố Chỉ số an toàn thông tin mạng toàn cầu năm 2024 (GCI), theo đó, Việt Nam đã tăng 8 bậc kể từ báo cáo công bố năm 2021, vươn lên vị trí thứ 17/194 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đứng thứ 4 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 3 trong số các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về lĩnh vực an ninh mạng.
Năm 2024, Bộ TT&TT tích cực, chủ động tập trung xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số đã trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Bộ đã tham mưu trình Bộ Chính trị ban hành 01 Nghị quyết của Bộ Chính trị; Chính phủ thông qua 02 hồ sơ đề nghị xây dựng luật, ban hành 04 Nghị quyết Chính phủ, 07 Nghị định Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ ban hành 18 Quyết định, 02 Chỉ thị, 01 Công điện và ban hành theo thẩm quyền 26 Thông tư. Ngoài ra, Bộ cũng đang xây dựng 02 hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản, Luật Bưu chính, 06 Nghị định Chính phủ, 07 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là truyền thông chính sách tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan toả năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên, thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước ta, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Năm 2024, doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 4.243.984 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2023. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 109.478 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2023. Đóng góp vào GDP của ngành TT&TT ước đạt 989.016 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2023. Tổng số lao động toàn ngành TT&TT ước khoảng 1.542.994 lao động, tăng 02% so với năm 2023.
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, phấn đấu doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT ước 169,3 tỷ USD, ước tăng 11,4% so với năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 148,5 tỷ USD, ước tăng
12,3% so với năm 2024. Số doanh nghiệp công nghệ số hoạt động đến cuối năm 2025 ước đạt 60.000 doanh nghiệp, ước tăng 10% so với năm 2024.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu trên, Ngành TT&TT sẽ tập trung hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số. Nghiên cứu xây dựng dự thảo các văn bản hướng dẫn Luật Công nghiệp công nghệ số. Triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng đối với Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
Cùng với đó, sẽ mở rộng không gian phát triển, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại về giải pháp, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; Xúc tiến đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp công nghệ số; Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Đẩy mạnh các
hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh làm chủ thị trường trong nước và đi ra thị trường nước ngoài, khai phá các thị trường tiềm năng mới. Nâng xếp hạng chỉ số Xuất khẩu dịch vụ ICT lên ít nhất 5 bậc (chỉ số Đổi mới sáng tạo GII)...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc biểu dương những thành tựu to lớn mà ngành TT&TT đạt được trong năm 2024.
Nói về nhiệm vụ năm 2025 và những năm đến, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành TT&TT cần đoàn kết, nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Việc sáp nhập Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Khoa học và Công nghệ thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông được xem là giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. của Bộ Chính trị đã xác định ba trụ cột chính là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Chuyển đổi số đã trở thành sự nghiệp của toàn Đảng và toàn dân, bước vào giai đoạn phát triển đột phá.