Trong các năm qua, nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Nam Trà My luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của Trung ương, tỉnh và Đảng bộ, chính quyền huyện, xã. Bởi đây là khâu then chốt để cải thiện cuộc sống đồng bào, tiến lên xây dựng quê hương phát triển bền vững.
Những ngày đầu tái lập huyện, khó khăn chất chồng gian khó khi xuất phát điểm của Nam Trà My hầu như chẳng có gì. Và cái có lớn nhất lúc đó chính là có tỉ lệ hộ nghèo thuộc diện cao nhất nước. Đây là một thách thức không hề nhỏ trong công tác xây dựng, phát triển quê hương. Nhưng với sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, đến nay đồng bào Nam Trà My đã có cuộc sống khá giả hơn trước đây rất nhiều, tỉ lệ hộ nghèo cũng đã giảm xuống đáng kể. Năm 2015, tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm gần 71% thì đến cuối năm 2022, tỉ lệ này đã giảm xuống còn 44,69% theo chuẩn nghèo đa chiều.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Biết răng, chuyện đói, cái nghèo có lẽ ở đâu cũng có. Nhưng với một huyện được thiên nhiên ưu đãi nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế mà lại có tỉ lệ hộ nghèo thuộc diện cao nhất nước như Nam Trà My thì quả là một bất cập. Nguyên nhân được xác định là do người dân – chủ thể của đói nghèo còn trông chờ vào nhà nước cứu trợ, không còn siêng năng, sáng tạo trong lao động như trước nữa. Muốn giúp bà con thoát nghèo thì việc đầu tiên là phải cởi trói tư tưởng trông chờ của người dân để họ thấy được những lợi ích của việc xây dựng đời sống khá giả.
Cùng với việc thực hện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ bà con thoat nghèo thì huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách thoát nghèo bền vững. Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo thực hiện thường xuyên và liên tục. Trên phương châm mưa dầm thấm lâu, muốn bà con dịch chuyển được tư tưởng không phải là chuyện ngày một ngày hai mà đó phải là một quá trình trường kỳ, bền bỉ nên các ngành, các cấp đã có những nỗ lực trong hoạt động tuyên truyền nhân dân thoát nghèo bền vững. Bằng các hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp, cho thấy một khi việc tuyên truyền được thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đã tiếp thêm nghị lực, tạo niềm tin tưởng cho hộ nghèo trong việc thay đổi tư duy nhận thức, chuyển suy nghĩ từ trông chờ ỷ lại sang ý thức tự lực vươn lên làm ăn để ấm no, hạnh phúc.
Các ngành, các địa phương ở Nam Trà My đã vào cuộc thực hiện công tác tuyên truyền giảm nghèo bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, việc đến tận nhà và tuyên truyền trực tiếp cho bà con hộ nghèo luôn được quan tâm hàng đầu. Qua đây sẽ dễ dàng chuyển tải thông tin đến với người nghe hoặc bằng cách cầm tay chỉ việc. Nhờ đó nên bà con dễ hiểu, dễ làm theo hơn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã từng căn dặn, khi tuyên truyền phải bày cho nhân dân “một là gì, hai là gì, rồi ba, bốn, năm là gì? Làm như thế nào?” và “…không nên nói trên trời dưới đất, nào là khách quan, chủ quan, nào là tích cực và tiêu cực, không đâu vào đâu cả”. Vì thế, không chỉ thực hiện theo kiểu một chiều, giáo điều, nghĩa là một bên nói một bên nghe mà việc tuyên truyền chính sách thoát nghèo ở Nam Trà My còn thực hiện khá sinh động thông qua các buổi đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo UBND huyện với bà con. Tại đây, những vấn đề mà người dân chưa hiểu, chưa nắm bắt hoặc còn bỡ ngỡ có thể được giải đáp kịp thời, thấu đáo để thông tư duy. Đây cũng là một cách sáng tạọ trong công tác tuyên truyền về chính sách thoát nghèo bền vững. Giúp giải tỏa những tâm lý lo âu khi thoát nghèo cho bà con. Và cũng từ đây mới lòi ra được những cái khó, cái vướng, cái người nghèo đang cần chính đáng để huyện ban hành chính sách giải quyết kịp thời.
Việc tổ chức tuyên truyền, đối thoại chính sách trực tiếp với người dân là nhằm tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng, điều kiện hoàn cảnh cụ thể của từng hộ gia đình, từ đó đề xuất giải pháp thực tế, hợp lý giúp họ thoát nghèo có cuộc sống ổn định để phát triển kinh tế. Cũng từ các buổi tiếp xúc này giúp cho lãnh đạo huyện hoạch định tiến độ giảm nghèo bền vững cho nhân dân.
Thực tế cho thấy, việc lãnh đạo UBND huyện tiếp xúc, đối thoại, tuyên truyền một cách trực tiếp với hộ nghèo là cách làm sáng tạo và bước đầu đem lại hiệu quả tích cực. Tác dụng của việc chủ động tuyên truyền là giải quyết các vấn đề mà người dân lo âu, khó nghĩ. Từ đó giúp bà con củng cố vững chắc niềm tin, nắm rõ các chính sách ưu đãi để thực hiện một cách tích cực. Cho nên để góp phần nâng cao tính bền vững của hoạt động giảm nghèo, nâng cao năng lực hiểu biết chính sách cho người dân thì trong thời gian tới hoạt động đối thoại trực tiếp như thế này cần phải được thực hiện thường xuyên và rộng rãi nhiều hơn nữa.
Từ thực tiễn cho thấy, ở đâu công tác tuyên truyền, đối thoại được thực hiện thường xuyên thì nơi đó nhận thức của bà con được nâng cao đáng kể và một khi Đảng – Nhà nước triển khai chính sách thì bà con đều nắm chắc và hưởng ứng thực hiện.
Với công tác giảm nghèo ở Nam Trà My cũng vậy, nhờ làm tốt hoạt động tuyên truyền, đối thoại mà bà con hộ nghèo, hộ cận nghèo đã xoay chuyển tư duy, hăng say lao động, sản xuất để tăng thu nhập, hăng hái thi đua đăng ký thoát nghèo bền vững.
Đầu tư chính sách đồng bộ
Cùng với công tác tuyên truyền, vận động người dân thi đua đăng ký thoát nghèo bền vững thì huyện Nam Trà My cũng luôn tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ từ trung ương, tỉnh và cộng đồng để tập trung cho công tác giảm nghèo. Theo đó, mõi năm hàn trăm tỉ đồng được ưu tiên để đầu tư hệ thống hạ tầng dân sinh thiết yếu như điện, đường, trường, trạm đồng bộ từ huyện đến xã, thôn, tạo bàn đạp để bà con tăng cường giao thương, trao đổi hàng hóa. Cùng với đó các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, chương trình giảm nghèo khu vực Tây Nguyên và các chính sách ưu đãi về dân tộc và miền núi cũng đều được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Theo đó, huyện đã chỉ đạo cho các xã căn cứ vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán canh tác của bà con để xây dựng phương án thoát nghèo đảm bảo tính hiệu quả cao nhất. Theo đó, đối với các xã vùng cao với khí hậu mát mẻ được chủ trọng tập trung phát triển sâm Ngọc Linh, cây dược liệu để tăng thu nhập gia đình. Còn các xã vùng thấp, khí hậu ấm áp thì mở rộng mô hình chăn nuôi kết hợp với phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại như chăn nuôi heo đen, bò sinh sản, trồng quế xen canh cây sắn, trồng dổi xanh… Theo thống kê, giai đoạn 2015 đến nay, tổng nguồn kinh phí hỗ trợ trực tiếp để người dân thoát nghèo trên địa bàn huyện chiếm khoảng 438,7 tỷ đồng. Nhờ vậy, đã có rất nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao, tạo nguồn thu nhập ổn định để các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Tính đến cuối năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở huyện Nam Trà My còn 3.609 hộ, tương ứng với tỉ lệ 44.69%.
Song song với công tác đầu tư, hỗ trợ thì huyện Nam Trà My cũng vận động đội ngũ cán bộ trong các cơ quan, đơn vị , trường học và doanh nghiệp ở huyện Nam Trà My tham gia giúp hộ nghèo theo phương châm "3 cán bộ giúp 1 hộ nghèo". Đây có thể xem là bước đột phá, sự sáng tạo của chính quyền huyện trong công tác hỗ trợ nhân dân thoát nghèo bền vững. Mục đích lớn nhất là giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất và nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ đối với nhân dân. Chương trình cán bộ giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững đã chia sẻ được trách nhiệm, trí tuệ của xã hội đối với những hộ nghèo đang cần kiến thức để phát triển kinh tế. Nhờ được tận mắt thấy, tai nghe nên người nghèo dễ dàng học hỏi được kỹ thuật hiện đại để làm theo. Từ đây mà hiệu quả sản xuất của bà con được tăng lên đáng kể, tạo ra nhiều của cải để tăng thu nhập. Cách làm hiệu quả này hiện vẫn đang được huyện duy trì để từ đó tiếp sức một cách thiết thực nhất cho bà con hăng hái thi đua làm ăn, vươn lên khá giả.
Nhiệm vụ thời gian tới
Nhìn nhận một cách chủ quan thì cho tới nay công tác giảm nghèo ở Nam Trà My tuy có cố gắng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Mà đáp án cho nhận định đó là vẫn còn khá nhiều hộ nghèo chưa nắm hết chính sách, chưa muốn thoát nghèo, còn thích thụ hưởng cứu trợ. Cho nên trong thời gian tới cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách thoát nghèo thường xuyên, liên tục cả chiều rộng, lẫn chiều sâu. Phải đổi mới phương thức tiếp cận và cả hình thức tuyên truyền, vận động. Tuyên truyền bằng những ngôn từ mộc mạc, dễ nghe, dễ hiểu. Phải phân tích cho được những lợi ích cốt lõi của việc thoát nghèo để bà con thấy được hiệu quả. Khi tuyên truyền không chỉ tập trung chuyển tải thông tin đến người dân mà phải làm cho bà con hiểu được nội dung mình muốn tuyên truyền. Như vậy, mới phát huy được vai trò của công tác tuyên truyền trong sự nghiệp giảm nghèo bền vững.
Cùng với đó, việc triển khai các chương trình đầu tư, hỗ trợ của nhà nước dành cho hộ nghèo cũng phải bám sát với thực tiễn đời sống, sản xuất của bà con. Việc chọn lựa mô hình chăn nuôi, trồng trọt phải thực sự đem lại hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải, không phù hợp với tập quán canh tác.
Tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là duy trì và phát huy phong trào "3 cán bộ giúp 1 hộ nghèo" để đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động chủ độn đến từng nhà, bày cho từng người cách phát triển kinh tế hiệu quả nhất để tạo dựng cuộc sống ấm no.
Thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động giảm nghèo bền vững để kịp thời phát hiện và tháo gỡ những bất cập phát sinh từ thực tiễn triển khai. Kiên quyết không đầu tư, hỗ trợ cho những hộ nghèo có sức lao động nhưng cố ý chay lỳ, không chịu đăng ký thoát nghèo.
Qua 20 năm xây dựng và phát triển quê hương, tỉ lệ hộ nghèo ở Nam Trà My đã được giảm xuống đáng kể, đồng nghĩa với đời sống vật chất, tinh thần của bà con đồng bào được nâng lên. Tin tưởng rằng với sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương, tỉnh và sự vào cuộc quyết liệt,sáng tạo, sát thực tiễn của huyện, chắc chắn, trong thời gian không xa nữa, tỉ lệ hộ nghèo ở Nam Trà My sẽ được đẩy lùi xuống mức thấp nhất.