Nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào các dân tộc thiểu số, các cấp hội viên nông dân ở huyện vùng cao Phước Sơn đã cùng nhau đoàn kết, chung sức tương trợ lẫn nhau để tăng gia phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nhanh chóng thoát khỏi đói nghèo. Và mô hình “5 cùng” ra đời càng thể hiện ý chí quyết tâm của bà con nông dân nơi đây.
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 05/8/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII về “Đẩy mạnh xây dựng chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp”; Chỉ thị số 27-CT/HU ngày 09/02/2023 của Huyện ủy Phước Sơn về việc triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, đến nay trên địa bàn huyện đã thành lập mới 15 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với trên 150 hội viên nông dân tham gia. Các mô hình này phát huy hiệu quả, tạo nhiều sản phẩm và thu nhập cho nông dân, góp phần đổi mới hình thức hoạt động của Hội Nông dân cơ sở.
Với tiêu chí “5 cùng” đó là: (1) cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; (2) cùng mối quan tâm; (3) cùng có sự chia sẻ; (4) cùng trách nhiệm và (5) cùng hưởng lợi trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, phối hợp hoạt động, tổ Hội nông dân nghề nghiệp đã nâng cao tinh thần tích cực và trách nhiệm của hội viên, nông dân khi tham gia sinh hoạt. Đồng thời, giúp tăng hiệu quả lao động sản xuất của các hộ gia đình. Đây là kết quả rất đáng mừng trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của hội viên nông dân trên địa bàn huyện.
Khi triển khai thực hiện mô hình “5 cùng” được bà con nông dân hưởng ứng nhiệt tình và tham gia sôi nổi. Bà con nhận thấy được quyền lợi rõ rệt và tính cộng đồng nên hăng hái tích cực.
Theo ông Vũ Đình Cuối, Chủ tịch Hội nông dân huyện Phước Sơn cho biết, trong thời gian qua, Hội đã làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân về những cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Vận động bà con chủ động thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên làm giàu chính đáng. Vận động hội viên, nông dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi, đưa những cây, con giống có giá trị kinh tế cao và phù hợp với đặc thù của từng địa phương vào nuôi, trồng…để đem lại hiệu quả kinh tế cao.
“Chúng tôi chú trọng vận động hội viên, nông dân tập trung cải tạo vườn tạp, làm vườn mẫu, cùng nhau tương trợ giúp đỡ trong lao động, sản xuất. Cùng với đó cũng nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến, cho hội viên nông dân được thăm quan học hỏi mô hình, cách làm hay giữa các tổ hội với nhau để áp dụng tại địa phương” – ông Cuối cho biết.
Sau khi thành lập tổ Hội nông dân nghề nghiệp, các hội viên được tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, được hỗ trợ vay vốn nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân nếu có nhu cầu để đầu tư cây giống, phân bón, cải tạo đất sản xuất…
Từ điểm sáng của các tổ Hội, các cơ sở Hội trên địa bàn huyện đã tích cực tuyên truyền, động viên hội viên thành lập các tổ Hội nghề nghiệp để hỗ trợ nhau trong lao động sản xuất, tăng thu nhập. Nhiều tổ Hội nông dân nghề nghiệp đã đem lại hiệu quả, thu nhập đáng kể cho nông dân, tiêu biểu như tổ Hội “Giúp nhau phát triển kinh tế” thôn 2 xã Phước Công; “Giúp nhau tăng gia sản xuất” thôn Lao Đu xã Phước Xuân; “Trồng sắn xuất khẩu” xã Phước Kim…
Trong thời gian tới, Hội Nông dân từ huyện đến cơ sở, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng chi, tổ Hội nghề nghiệp, góp phần đa dạng hóa mô hình tổ chức Hội Nông dân ở cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi tiến tới thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, thúc đẩy liên kết sản xuất hàng hóa, giúp nông dân phát triển bền vững./.