Chiều ngày 1/3, UBND tỉnh tổ chức họp báo Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và giới thiệu các hoạt động, sự kiện Năm Quốc gia phục hồi đa dạng sinh học - Quảng Nam 2024. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, đại diện lãnh đạo Sở KH&ĐT, TN&MT chủ trì buổi họp.
Ngày 17/01/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Quảng Nam; là cơ sở để điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Với quan điểm chủ động kiến tạo, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, đồng thời kết hợp nội lực với ngoại lực, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên vào năm 2030. Nỗ lực đưa các ngành, lĩnh vực thuộc nhóm dẫn đầu cả nước như: Công nghiệp ô tô, cơ khí, dược liệu. Đến năm 2050, Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, trở thành thành phố trực thuộc trung ương và trung tâm du lịch quốc tế quan trọng.
Phát biểu tại buổi họp báo, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, để thực hiện hóa các mục tiêu đã đề ra, Quảng Nam sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện quy hoạch. Tuy nhiên, tỉnh không vội vàng lấp đầy, không xây dựng manh mún, nhỏ lẻ mà cần lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, tâm huyết để thực hiện, hạn chế lãng phí tài nguyên và nguồn lực.
Quảng Nam nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 7.500 USD; đầu tư xây dựng Cảng hàng không Chu Lai đạt tiêu chuẩn cảng hàng không quốc tế với quy mô cấp 4F, Cảng biển Quảng Nam đạt tiêu chuẩn loại I tiếp nhận tàu đến 50.000 DWT…
Về tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam, được làm rõ qua mô hình cấu trúc: hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển. Trong đó, mỗi không gian được định vị các lĩnh vực quan trọng có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực trong tương lai. Cấu trúc này đảm bảo sự phát triển cân bằng về mặt kinh tế - xã hội giữa vùng Đông và vùng Tây.
Dự kiến, Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Lễ khai mạc “Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024” sẽ diễn ra vào sáng 16/3.
Về Năm quốc gia phục hồi đa dạng sinh học, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, đây là nội dung được Thủ tướng Chính phủ rất hoan nghênh; được Bộ TN-MT và các bộ ngành trung ương phối hợp với địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Đây là chuỗi sự kiện sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa rất lớn nhằm góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học; cụ thể hoá quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và có tính cân đối hài hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế trong nội dung Quy hoạch tỉnh.
Năm nay, Quảng Nam cũng là địa phương đăng cai tổ chức Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia 2024 với chủ đề “Chung sống hài hòa với thiên nhiên”. Trong khuôn khổ chương trình sẽ có 37 sự kiện, hoạt động phong phú, đặc sắc diễn ra xuyên suốt từ tháng 3-11/2024, như: các diễn đàn, hội nghị, hội thảo khoa học về đa dạng sinh học; các hoạt động nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học; giới thiệu, vận hành Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam; tổ chức đoàn Famtrip, Presstrip khảo sát và quảng bá các điểm du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; tọa đàm ký kết chương trình phối hợp bảo vệ động vật hoang dã xuyên biên giới với tỉnh Sê Kông (Lào); tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học; các hoạt động hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh; thả bổ sung loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học, loài thủy sản bản địa, loài thủy sản đặc hữu vào vùng nước tự nhiên tái tạo nguồn lợi thủy sản; cùng nhiều hoạt động khác…
Mục tiêu của chuỗi sự kiện, hoạt động là giới thiệu, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng của thiên nhiên ban tặng; góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, sống hài hòa với thiên nhiên và góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu. Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết, chia sẽ trách nhiệm trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi sinh thái bằng các hành động cụ thể, thiết thực và phù hợp với thực tế với từng địa phương.