Tin sở - ngành

Phân tuyến quản lý, hỗ trợ trong công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong người bệnh sốt xuất huyết Dengue

Thúy Hằng 18/07/2022 00:00

Nhằm chủ động trong công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh SXHD tới mức thấp nhất; Sở Y tế có công văn đề nghị Giám đốc các cơ sở y tế tập trung thực hiện tốt một số nội dung liên quan tới việc phân tuyến quản lý, hỗ trợ trong công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong người bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Theo quy định, Bệnh SXHD được chia làm 3 mức độ (theo Tổ chức Y tế thế giới năm 2009): 

Mức độ 1: SXHD (phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử lý kịp thời). 

Mức độ 2: SXHD có dấu hiệu cảnh báo (người bệnh được cho nhập viện điều trị). 

Mức độ 3: SXHD nặng (người bệnh phải được nhập viện điều trị cấp cứu), mức độ này bao gồm: (i) sốc SXHD, (ii) sốc SXHD nặng, (iii) xuất huyết nặng, (iv) suy tạng nặng.

Trên cơ sở đó, việc phân tuyến quản lý, điều trị SXHD được quy định cụ thể như sau:

Trạm Y tế xã/phường/thị trấn, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa Nội, phòng khám chuyên khoa Nhi: Mức độ 1: Sốt xuất huyết Dengue. Trừ các trường hợp: (i) Sống một mình; (ii) Nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng; (iii) Gia đình không có khả năng theo dõi sát; (iv) Trẻ nhũ nhi; (v) Dư cân, béo phì; (vi) Phụ nữ có thai; (vii) Người lớn tuổi (≥60 tuổi); (viii) Bệnh mạn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen, COPD kém kiểm soát, đái tháo đường, thiếu máu tan máu...). 

Các Trung tâm Y tế huyện có giường bệnh/Bệnh viện đa khoa thành phố Hội An, Bệnh viện đa khoa tư nhân: Mức độ 1: Sốt xuất huyết Dengue; Mức độ 2: Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo;  Mức độ 3: Sốt xuất huyết Dengue nặng + Sốc SXHD (đối với những bệnh viện đã được tập huấn, chuyển giao điều trị SXHD nặng). + Sốc SXHD nặng: điều trị chống sốc ban đầu, hội chẩn chuyển tuyến trên. + Sốc xuất huyết nặng có suy tạng, xuất huyết: sơ cứu, hội chẩn, chuyển tuyến trên. 

Bệnh viện đa khoa tỉnh/khu vực, Bệnh viện Phụ sản – Nhi: Mức độ 1: Sốt xuất huyết Dengue; Mức độ 2: Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo; Mức độ 3: Sốt xuất huyết Dengue nặng.

Bệnh viện tuyến cuối điều trị SXHD được Bộ Y tế phân công hỗ trợ cho tỉnh Quảng Nam: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng thành phố.

Về nguyên tắc phối hợp giữa các tuyến, các Bệnh viện đa khoa tỉnh/khu vực, Bệnh viện Phụ sản - Nhi tập trung nguồn lực để thu dung, điều trị những trường hợp SXHD nặng. Hạn chế vận chuyển người bệnh vượt tuyến, trừ trường hợp vượt quá khả năng điều trị. Khi vượt quá khả năng điều trị thì chuyển tuyến trên, các đơn vị lưu ý: (i) có thông báo trước với đơn vị tiếp nhận, (ii) ghi chép đầy đủ các thông tin diễn biến lâm sàng, các kết quả xét nghiệm, các phương pháp điều trị và các thuốc đã sử dụng. Thực hiện chế độ tham vấn tuyến trên, hội chẩn liên khoa, liên viện để giải quyết các trường hợp khó, các trường hợp chuyển viện.

Sở Y tế cũng giao Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam: Phụ trách hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến, tập huấn về điều trị SXH ở người lớn cho các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành, thành phố Tam Kỳ. 

Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam: Phụ trách hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến, tập huấn về điều trị SXH (trẻ em và người lớn) các huyện Điện Bàn, Hiệp Đức, Nông Sơn, Quế Sơn, Duy Xuyên, Hội An.

Bệnh viện đa khoa KVMNPB Quảng Nam: Phụ trách hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến, tập huấn về điều trị SXH (trẻ em và người lớn) cho các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Đại Lộc. 

Bệnh viện Phụ Sản Nhi Quảng Nam: Phụ trách hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến, tập huấn về điều trị SXH ở trẻ em cho các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành, thành phố Tam Kỳ.

File đính kèm: Công văn.

(0) bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phân tuyến quản lý, hỗ trợ trong công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong người bệnh sốt xuất huyết Dengue
POWERED BY ONEPORTAL - A PRODUCT OF NEKO