Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững

Phước Sơn: Hơn 115 tỷ đồng thực hiện giảm nghèo bền vững năm 2023

MAI 08/09/2023 09:44

Sáng ngày 7/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với huyện Phước Sơn về tình hình triển khai thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn làm việc với huyện Phước Sơn về tình hình triển khai thực hiện các chương trình MTQG.

Theo báo cáo tại cuộc họp, tổng các nguồn vốn hỗ trợ thực hiện các Chương trình MTQG của huyện Phước Sơn từ năm 2022- 2023 là hơn 430 tỷ đồng. Đến nay, tổng nguồn vốn phân bổ các CTMTQG năm 2022- 2023 là 388.072 triệu/430.784 triệu đồng, đạt 91%.  Tỷ lệ giải ngân đạt 25,4%; trong đó vốn đầu tư đạt 32,1%, vốn sự nghiệp đạt 9,4%.

Riêng đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, trong năm tổng vốn đầu tư năm 2022 và 2023 của huyện là hơn 176 tỷ đồng. Trong đó, đã phân bổ 100% vốn năm 2022 là hơn 60,6 tỷ đồng; vốn năm 2023 là hơn 115,4 tỷ đồng, hiện huyện đã tiến hành giao hơn 84,4 tỷ đồng cho các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Tổng vốn sự nghiệp năm 2022 và 2023 là hơn 42,9 tỷ đồng; hiện vốn 2022 đã phân bổ 100%, vốn 2023 đã phân bổ hơn 31,9/35,4 tỷ đồng.

Từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG giảm nghèo, huyện đã phân bổ vốn cho các địa phương, đơn vị triển khai xây dựng mới, nâng cấp các công trình giao thông, hạ tầng; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, như: Dự án chăn nuôi bò lai (3B), nuôi heo đen; hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin…

Nhìn chung, qua triển khai thực hiện các Chương trình, cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội trên địa bàn huyện đã được quan tâm tăng cường đầu tư, diện mạo nông thôn được thay đổi đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân, phát triển theo quy hoạch. Hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình đã hoàn thành tương đối đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương triển khai thực hiện, nhiều cơ chế, chính sách mới được ban hành trong giai đoạn 2021-2025 đã góp phần rất lớn trong huy động nguồn lực thực hiện Chương trình. Hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu trong các Chương trình MTQG đề ra năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023 đều cơ bản đảm bảo theo kế hoạch. 

Tại cuộc họp, UBND huyện Phước Sơn cũng đã chỉ ra một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình MTQG. Trong đó, thời gian phân bổ vốn cho địa phương trễ, do đó sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Một số văn bản hướng dẫn của các Bộ ngành Trung ương, tỉnh về thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần của các CTMTQG còn chậm, còn chồng chéo, chưa chi tiết, cụ thể dẫn đến các đơn vị, địa phương còn lúng túng. Bên cạnh đó, thời tiết mưa nhiều; giá vật liệu tăng cao, nguồn cung các loại vật liệu thông thường khan hiếm. Công tác giải phóng mặt bằng một số công trình, dự án gặp khó khăn do quy trình thu hồi đất gồm nhiều thủ tục, kéo dài thời gian dẫn đến tiến độ triển khai các công trình, dự án chậm. Thiếu nguồn nhân lực thực hiện chương trình MTQG. Một bộ phận người dân chưa thật sự mong muốn, chủ động học nghề, tổ chức sản xuất hoặc tìm kiếm việc làm phù hợp, chưa tự lực vươn lên trong cuộc sống, còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại, không muốn thoát nghèo để hưởng chính sách…

Dịp này, huyện Phước Sơn cũng đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét giảm kinh phí thu hồi, quay vòng vốn đối với DA hỗ trợ PTSX cộng đồng từ 15% xuống còn 10%; giao vốn đầu tư cho địa phương theo giai đoạn, để địa phương chủ động điều chỉnh vốn cho từng dự án, TDA sát với tình hình nhu cầu vốn của địa phương; sớm ban hành hướng dẫn triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đề nghị tỉnh kiến nghị với Trung ương tăng mức hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn từ 15-20 triệu đồng/ha (quy định hiện hành là 8 triệu đồng/ha) và hỗ trợ 01 lần sau đầu tư, điều chỉnh đối tượng đất được đầu tư là đất sản xuất của người dân sản xuất ổn định lâu dài, không tranh chấp được chính quyền địa phương xác nhận; hướng dẫn thực hiện hỗ trợ gạo cho các hộ tham gia QLBV rừng, trồng rừng…

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn ghi nhận những kết quả đạt được của huyện Phước Sơn trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình MTQG. Tuy nhiên, kết quả giải ngân của Phước Sơn vẫn còn thấp. Theo đó, trong thời gian tới, đồng chí Trần Anh Tuấn đề nghị huyện triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh công tác phân bổ vốn, giải ngân vốn.  Trong đó, cần xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, phân công công việc cho từng thành viên; rà soát, xem xét điều chuyển kế hoạch vốn đối với dự án không có khả năng giải ngân hết sang cho dự án khác, ưu tiên giải ngân vốn Trung ương, đặc biệt là nguồn vốn chuyển từ năm 2022 sang; đồng thời đôn đốc thực hiện các dự án đang triển khai nhằm đảm bảo kịp tiến độ đề ra; các cơ quan thường trực và Văn phòng các chương trình MTQG bám sát, nắm bắt những vướng mắc trong quá trình thực hiện để kịp thời báo về UBND tỉnh xem xét giải quyết…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cũng giao các Sở, ban, ngành liên quan tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của huyện Phước Sơn, xem xét, tham mưu UBND có phương án giải quyết kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phước Sơn: Hơn 115 tỷ đồng thực hiện giảm nghèo bền vững năm 2023
POWERED BY ONEPORTAL - A PRODUCT OF NEKO