Vừa qua, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến giao ban công tác qúy I; tổng kết kế hoạch cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023 về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang- Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo tại cuộc họp, quý I năm 2023, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, các quy định về phòng, chống dịch được điều chỉnh, nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, lưu lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hành khách, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh qua các cửa khẩu hoạt động bình thường. Cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng như rượu, bia, thuốc lá, đường cát, mỹ phẩm, quần áo, lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng… trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 của người dân tăng cao hơn. Theo đó, hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua các tuyến biên giới, cửa khẩu đất liền, đường mòn, lối mở biên giới, tuyến biên giới biển, cảng biển, các vùng biển và các địa bàn nội địa trọng điểm tuy không phát sinh điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhưng có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn. Nổi lên, các hoạt động vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại, động vật hoang dã, đường cát, hàng đông lạnh, thực phẩm… không rõ nguồn gốc.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các hành vi vi phạm về phòng chống , buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra với nhiều thủ đoạn, phương thức tinh vi.Các đối tượng khai hải quan không đúng với hàng hóa thực tế, tuyến đường của lô hàng; nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn; để buôn lậu, gian lận thương mại; gia cố hầm chứa, khoang chứa bên trong các phương tiện vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, cất giấu hàng lậu vào hàng hóa nhập khẩu chính ngạch để lọt qua sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, lợi dụng thời tiết, địa hình trên các tuyến biên giới, vùng biển, đường mòn, lối mở... đối tượng thuê người dân vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, sử dụng trang thiết bị hiện đại, trang bị vũ khí nóng để chống trả lực lượng chức năng khi bị bắt giữ.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với hình thức, nội dung đa dạng, phong phú hơn, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền.
Qua thanh, kiểm tra, tổ chức triệt phá, trong quý I, lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 28.028 vụ việc vi phạm. Trong đó, phát hiện, bắt giữ 1.345 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 25.595 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; 1.088 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 3.387 tỷ đồng; khởi tố hình sự 278 vụ/679 đối tượng.
Riêng tại Quảng Nam, trong 4 tháng đầu năm, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 425 vụ việc vi phạm hành chính; đã xử lý vi phạm hành chính 398 vụ việc; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 7,6 tỷ đồng; tiến hành khởi tố 51 vụ/74 đối tượng.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã nêu lên một số khó khăn, tồn tại cần sớm khắc phục như: một số đơn vị còn buông lỏng quản lý, vẫn còn hiện tượng tiếp tay cho buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi, gây khó khăn trong việc phát hiện hành vi vi phạm; hoạt động thương mại điện tử ngày càng phát triển nên việc xác minh, truy tìm gặp nhiều khó khăn; hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua các tuyến biên giới, cửa khẩu đất liền, đường mòn, lối mở biên giới có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn.