Sáng ngày 21/8, Đoàn công tác Quân khu 5 do Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hương, Phó Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam về công tác ứng phó sự cố thiên tai và TKCN trong nhiệm kỳ 2021-2025.
Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Nam Hưng; Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh; các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh Quảng Nam.
Báo cáo do Thượng tá Trần Hữu Ích, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh nêu rõ, do vị trí địa lý, đặc điểm địa hình tỉnh Quảng Nam tương đối phức tạp, cùng với tác động biến đổi khí hậu toàn cầu nên tình hình thiên tai có xu thế ngày càng gia tăng về số lượng cũng như mức độ khốc liệt đã ảnh hưởng lớn đến KT-XH, QP-AN của tỉnh. Các loại hình thiên tai thường xuất hiện ở Quảng Nam là áp thấp nhiệt đới, bão, lũ ống, lũ quét, ngập lụt, dông, sét, lốc, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, gió mạnh trên biển, cháy rừng… Trong mùa mưa lũ nhiều đoạn đường thường bị ngập, sạt lở đất, nhất là khu vực miền núi, gây chia cắt cục bộ nhiều khu dân cư… Theo số liệu thống kê, từ năm 2019 – 2023, địa bàn Quảng Nam có 8 cơn bão đổ bộ, 1 ATNĐ, 16 trận lũ… ảnh hưởng nặng nề về người và thiệt hại về tài sản; tổng ước tính thiệt hại khoảng 17.200 tỷ đồng.
Để ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ CHQS tỉnh đã thường xuyên quán triệt, thực hiện nghiêm các luật, nghị định, văn bản thi hành; các chỉ thị, quy định của Bộ Quốc phòng, Quân khu và UBND tỉnh về công tác PCTT&TKCN.
Tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo và chỉ đạo triển khai thực hiện công tác PCTT&TKCN kịp thời. Tổ chức kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ CHQS tỉnh, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và theo dõi từng địa bàn. Đẩy mạnh công tác giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, coi đây là mệnh lệnh chiến đấu trong thời bình. Đồng thời, đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN.
Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo Ban CHQS cấp huyện tham mưu đưa vào quy hoạch các bãi tập kết vật chất phục vụ PCTT&TKCN tại các địa bàn xung yếu. Phối hợp tham mưu UBND tỉnh Kế hoạch về việc phát triển, năng lực thực hiện nhiệm vụ PTDS, ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Tổ chức diễn tập PTDS, PCTT&TKCN cấp tỉnh và cấp huyện đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Duy trì nghiêm các chế độ ở các cấp; thường xuyên kiểm tra, bổ sung kiện toàn lực lượng TKCN đến cấp xã; bảo quản, bảo dưỡng trang bị phương tiện kỹ thuật, trang bị hậu cần cho nhiệm vụ PCTT&TKCN; triển khai các biện pháp, tổ chức chỉ huy chặt chẽ bảo đảm an toàn cho bộ đội, doanh trại, kho tàng, các trận địa và tài sản của đơn vị, bảo đảm tốt thông tin liên lạc, an toàn tuyệt đối cho lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ.
Để thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm xem xét nghiên cứu, điều chỉnh quy định về thống kê, đánh giá thiệt hại cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và các văn bản pháp luật có liên quan đến việc hỗ trợ khắc phục do thiên tai gây ra; nghiên cứu, điều chỉnh quy trình huy động và sử dụng ngân sách hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai tại Nghị định số 66/2021/NĐ-CP của Chính phủ giao nhiệm vụ cho cơ quan chuyên môn tham mưu UBND tỉnh về lĩnh vực ngân sách nhà nước. Sớm ban hành Nghị định hướng dẫn để kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự theo quy định của Luật Phòng thủ dân sự; ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho việc tái thiết sau thiên tai khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cần có khoản vay khẩn cấp ngoài ngân sách và quy định cơ chế tài chính, cấp phát cho các địa phương để thực hiện hỗ trợ, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai. Đầu tư, nâng cấp hệ thống cảnh báo, thông tin, truyền thông tới cộng đồng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn hết sức khó khăn do địa hình chia cắt, dân cư phân tán.
TH Quảng Nam