Năm 2021 là năm thứ 17 báo cáo PCI đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và ngoài nước về chất lượng điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành phố cả nước. Với quy mô điều tra toàn diện, Báo cáo PCI 2021 được thực hiện dựa trên sự phản hồi của 11.312 doanh nghiệp, trong đó 8.036 doanh nghiệp tư nhân trong nước, 2.091 doanh nghiệp mới thành lập và 1.185 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ 22 tỉnh, thành phố có số lượng doanh nghiệp FDI nhiều nhất tại Việt Nam.
Tỉnh Quảng Nam có 192 doanh nghiệp tham gia phản hồi điều tra PCI với 167 doanh nghiệp dân doanh và 25 doanh nghiệp FDI (trên tổng số hơn 8.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh).
Kết quả chung cả nước, Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu PCI 2021 với tổng điểm 73,02 (lần thứ 05 liên tiếp dẫn đầu cả nước), xếp thứ 02 là thành phố Hải Phòng (70,61 điểm), xếp thứ 3, thứ 4 lần lượt là Đồng Tháp (70,53 điểm) và thành phố Đà Nẵng (70,42 điểm), vị trí thứ 5 thuộc về tỉnh Vĩnh Phúc (69,69 điểm). Đối với Quảng Nam, Chỉ số PCI 2021 đạt 66,24 điểm, đứng ở vị trí thứ 19/63 tỉnh, thành trong cả nước, xếp thứ 4/12 trong vùng duyên hải miền Trung (sau Đà Nẵng, TT-Huế và Bình Định) và thuộc nhóm tỉnh có chỉ số Khá. So với năm 2020 thì PCI 2021 của tỉnh Quảng Nam có sự cải thiện về điểm số (tăng 0,52 điểm) nhưng bị giảm thứ hạng (tụt 6 bậc).
Qua phân tích 10 chỉ số thành phần trong PCI năm 2021 của tỉnh Quảng Nam cho thấy có: 04 chỉ số thành phần tăng điểm - tăng bậc: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Tiếp cận đất đai, Cạnh tranh bình đẳng, Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự (ANTT); 01 chỉ số thành phần tăng điểm - giảm bậc: Chi phí không chính thức. 02 chỉ số thành phần giảm điểm - giảm bậc: Tính minh bạch và Tính năng động; 03 chỉ số thành phần giảm điểm - tăng bậc: Gia nhập thị trường, Đào tạo lao động và Chi phí thời gian.
Hằng năm, sau khi VCCI công bố kết quả chỉ số PCI, UBND tỉnh đều tổ chức các cuộc họp, hội nghị để phân tích, đánh giá kết quả PCI trong năm đó, từ đó tìm ra các nguyên nhân và ban hành kế hoạch cải thiện Chỉ số PCI trên địa bàn tỉnh trong năm tiếp theo, trong đó đề ra nhiều giải pháp cải thiện gắn với từng chỉ số thành phần PCI, cụ thể:
Ban hành các nhóm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tại các văn bản: Chỉ thị số 16/CTUBND ngày 06/8/2015; Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 25/7/2017; Quyết định số 3210/QĐ-UBND ngày 07/10/2019; Quyết định 1757/QĐ-UBND ngày 01/7/2020, Quyết định 3540/QĐ-UBND ngày 08/12/2020; Kế hoạch 5245/KH-UBND ngày 12/8/2021.
Ban hành Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia như Quyết định số 1932/QĐ-UBND ngày 03/6/2016; Quyết định số 603/QĐ-UBND ngày 28/02/2017; Quyết định số 2042/QĐ-UBND ngày 04/7/2018; Quyết định số 991/QĐ-UBND ngày 29/3/2019; Quyết định số 510/QĐUBND ngày 27/02/2020; Quyết định số 477/QĐ-UBND ngày 08/02/2021.
Ban hành các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 tại các văn bản: Quyết định số 128/QĐ-UBND ngày 13/01/2021 của UBND tỉnh về triển khai các giải pháp nhằm tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp bị tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 phù hợp với trạng thái “bình thường mới; Quyết định số 3093/QĐ-UBND ngày 26/10/2021 về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp hộ kinh doanh và hợp tác xã trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 3091/QĐ-UBND ngày 26/10/2021 thành lập Ban chỉ đạo phục hồi sản xuất, kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Chủ trì tổ chức tiếp doanh nghiệp định kỳ: UBND tỉnh tổ chức trên 40 buổi Tiếp doanh nghiệp định kỳ tại trụ sở làm việc của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; tại đây các kiến nghị, khó khăn của doanh nghiệp đã được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét giải quyết cho doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận và đánh giá cao trong cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh (83% doanh nghiệp nhận định các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp doanh nghiệp định kỳ).
Đồng thời, kiến nghị, đề xuất Chính phủ và các cơ quan trung ương đối với các nội dung vượt thẩm quyền nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh covid-19 tại Công văn số 6150/UBND-KTTH ngày 15/9/2021, Tờ trình số 9344/TTr-UBND ngày 27/12/2021 của UBND tỉnh. UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên theo dõi, đôn đốc các ngành, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện PCI.
Tuy nhiên vẫn còn một số Sở, ngành và địa phương rất ít quan tâm và chưa chú trọng đến chỉ số PCI, dẫn đến không chủ động đề ra giải pháp cụ thể cho từng chỉ số thành phần PCI gắn với chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình.