Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cồng chiêng là nhạc cụ rất phổ biến trong đời sống văn hóa tinh thần. Những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam đã có những cách làm rất hiệu quả trong công tác bảo tồn văn hóa cồng chiêng, ngăn chặn tình trạng mai mọt văn hóa đặc sắc trong nhân dân.
A Tiêng là xã nông thôn mới đầu tiên của huyện biên giới Tây Giang. Từ khi xây dựng nông thôn mới, chính quyền và người đồng bào Cơ Tu nơi đây xem bảo tồn văn hóa, nhất là cồng chiêng là nhiệm vụ quan trọng trong đời sống tinh thần. Ở vùng cao này, hầu như làng nào cũng có một đội cồng chiêng. Khi gia đình có khách hoặc làng có lễ hội, cồng chiêng được tấu lên. Đồng bào các dân tộc ít người sống dọc dãy Trường Sơn quan niệm, chiêng là nhạc cụ giúp con người giao tiếp với thế giới thần linh. Đón khách, mừng lúa mới, ăn tết mùa là những bài chiêng cổ đã thấm vào máu của bao thế hệ. Với đồng bào Cơ Tu, cồng chiêng thể hiện sức mạnh của đàn ông, sự uyển chuyển của người phụ nữ qua các điệu mua tâng tung da dá.
Chị A Lăng Thị Dung ở xã A Tiêng, huyện Tây Giang là một trong những người được truyền dạy lại điệu múa truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Mỗi khi làng có lễ hội, các sự kiện văn hóa chị Dung đều tham gia biểu diễn để gìn giữ bản sắc đặc trưng của đồng bào mình. Qua đó cũng giúp cho các thế hệ trẻ say mê và yêu mến điệu múa truyền thống hòa quyện với nhịp cồng chiêng để cùng nhau gìn giữ cho muôn đời sau. “Tôi rất tự hào vì quê tôi có điệu múa tung tung da dá thế này. Múa phải có cồng chiêng nên rất hay”.
Ngoài bảo tồn văn hóa cồng chiêng ngay tại cộng đồng làng, nhiều năm nay, chính quyền các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đã đưa cồng chiêng vào trường học, nhất là tại các trường dân tộc nội trú. Mỗi lớp một đội cồng chiêng, cuối tuần các em sẽ tập luyện và thi diễn. Nhờ vậy mà hiện nay, các trường dân tộc nội trú của tỉnh Quảng Nam có nhiều đội cồng chiêng đi biểu diễn giao lưu tại nhiều địa phương trong cả nước. Hằng năm, tỉnh Quảng Nam còn tổ chức ngày hội cồng chiêng để đồng bào các dân tộc miền núi có dịp giới thiệu những bài chiêng tiêu biểu nhất của đồng bào mình.
Cùng với đó, nhiều huyện miền núi hiện nay cũng đã chú trọng cũng phân bổ kinh phí để mua sắm các bộ cồng chiêng cấp cho các xã nhằm thành lập câu lạc bộ cồng chiêng, tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống như tết máng nước, tết mùa, tết lúa mới.. Đây là các hoạt động luôn có biểu diễn cồng chiêng nên là cơ hội để khôi phục nét văn hóa của đồng bào thiểu số vùng núi cao.
Ông Tào Viết Hải - Phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh cho biết: “Chúng tôi đang tập trung cùng với người dân vừa tuyên truyền, vận động và tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng các chủ trương chính sách để bảo tồn phát huy văn hóa cồng chiêng trong đồng bào. Từ đó sẽ làm tốt công tác bảo tồn và làm phong phú hơn đời sống văn hóa tinh thần cho bà con vùng núi cao”.
Tiếng cồng chiêng dường như có sức mạnh vô hình chảy xuyên suốt qua nhiều thế hệ đồng bào các dân tộc sống dưới chân núi Trường Sơn này. Vào mùa lễ hội, ngược rừng, đến bất cứ ngôi làng đồng bào Xê Đăng, Ca Dong, Kor, Giẻ Triêng hay Cơ Tu, tiếng cồng chiêng trầm bổng, vang vọng khắp đại ngàn để thông báo mời gọi khách thập phương nhanh chân tới làng cùng vui hội truyền thống với đồng bào vùng cao xứ Quảng.