(QNP) - Sáng nay 6/2, UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc với các đơn vị liên quan về cơ sở dữ liệu phòng chống thiên tai cho Quảng Nam. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì buổi làm việc.
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Sở NN&PTNT cho hay, đối với hiện trạng cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, toàn tỉnh hiện có 73 hồ chứa thủy lợi và 42 dự án thủy điện với tổng công suất hơn 1.606 MW, đóng vai trò quan trọng trong điều tiết nước và giảm lũ
Quảng Nam hiện có 10 khu neo đậu tàu thuyền, hệ thống đê ngăn mặn dài 124 km cùng nhiều tuyến kè, tuyến đường, tuy nhiên đang xuống cấp, sạt lở, ảnh hưởng đến việc bảo vệ đất sản xuất, dân cư và công tác cứu hộ, thông tin liên lạc.
Về nhà tránh trú thiên tai, các địa phương hiện sử dụng các nhà văn hóa, gươl và trụ sở một số đơn vị làm nơi trú ẩn, cần bổ sung và nâng cấp để đáp ứng nhu cầu thực tế.
Liên quan công tác tổ chức và chính sách, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định và kế hoạch nhằm nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, như Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai các cấp từ tỉnh đến xã đã được kiện toàn, song cấp huyện và xã vẫn thiếu nhân lực chuyên trách.
Tỉnh đã đầu tư 199 trạm khí tượng thủy văn, trong đó có 55 trạm thuộc mạng lưới quốc gia. Các dữ liệu phòng chống thiên tai được tích hợp trên hệ thống trực tuyến và ứng dụng di động.
Tại buổi làm việc, các sở, ngành đã đưa ra những ý kiến tham vấn chi tiết, góp ý cho việc xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo thiên tai ở Quảng Nam. Hệ thống này được kỳ vọng sẽ triển khai trong năm 2025, nhằm nâng cao khả năng ứng phó kịp thời và hiệu quả trước các tình huống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và của, đồng thời bảo vệ môi trường và tài sản cộng đồng một cách tốt nhất.
Ý kiến của ông Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, đưa ra một tầm nhìn dài hạn và toàn diện về việc phát triển hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu. Theo ông Bình, việc xác định mục tiêu của các hệ thống là bước đầu tiên và quan trọng. Đối với những hệ thống đã hoàn thành, cần tiếp tục duy trì và phát triển. Còn những hệ thống chưa có, cần xây dựng khung kiến trúc riêng biệt cho từng ngành. Khi nguồn lực và cơ hội đã đầy đủ, các dự án mới sẽ được triển khai, ví dụ như quản lý thông tin về bão lũ, động đất, để xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện.
Về việc thu thập và kết nối dữ liệu, ông Bình đề xuất rằng trong tương lai, tất cả sẽ được tích hợp vào một ứng dụng duy nhất dành cho người dân và cán bộ, giúp tối ưu hóa việc tiếp cận và sử dụng thông tin. Ngay cả những dữ liệu mà người dân cung cấp cũng sẽ được đưa vào cơ sở dữ liệu chung này. Để thực hiện điều này một cách hiệu quả, các sở ban ngành và địa phương cần hợp tác chặt chẽ và cùng vào cuộc một cách đồng bộ. Phải làm tốt việc này để đảm bảo một hệ thống thông tin mạnh mẽ và đáng tin cậy trong tương lai.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe Sở NN&PTNT và các sở, ngành đề xuất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu thống nhất chủ trương đầu tư hệ thống giám sát lũ, đồng thời cải thiện hạ tầng phòng chống thiên tai từ nguồn tài chính Quỹ phòng chống thiên tai. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khẩn trương triển khai các biện pháp này, nhằm đưa vào thí điểm trước mùa mưa lũ năm 2025.
Việc này không chỉ giúp tăng cường khả năng dự báo và ứng phó với thiên tai, mà còn đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản trong khu vực. Đây là một bước đi chiến lược và kịp thời để ứng phó với những thách thức do biến đổi khí hậu và thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu.