(QNP) - UBND tỉnh Quảng Nam vừa có báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) phục vụ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV giai đoạn từ ngày 01/10/2023 đến ngày 30/9/2024 với nhiều kết quả nổi bật, nhất là việc chuyển đổi vị trí công tác 402 cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) nhằm phòng ngừa tham nhũng.
Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của pháp luật về PCTN tại mục 4 chương 2 Luật PCTN năm 2018; chương V Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN để thực hiện định kỳ hằng năm ban hành và công khai kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn theo thẩm quyền quản lý cán bộ. Qua đó, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tăng cường công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của công chức, viên chức, tạo môi trường thuận lợi cho CB,CC,VC rèn luyện, phát huy và nâng cao năng lực công tác.
Cụ thể, giai đoạn từ ngày 01/10/2023 đến ngày 30/9/2024, trên địa bàn tỉnh có 212 trường hợp CB,CC,VC phải thực hiện chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng, 190 trường hợp CB,CC,VC được chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành 31 văn bản; các đơn vị, địa phương ban hành 510 văn bản để chỉ đạo, quản lý điều hành trong lĩnh vực PCTN, tiêu cực… Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được 218 lớp tuyên truyền, quán triệt pháp luật về PCTN với 20.047 lượt CB,CC,VC và nhân dân tham dự, phát hành 17.653 đầu sách, tài liệu.
Trong kỳ, đã tổ chức triển khai được 57 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về PCTN, tiêu cực; trong đó có 50 cuộc đã ban hành kết luận thanh tra. Qua thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về PCTN, tiêu cực kiến nghị xử lý vi phạm trong công tác quản lý, chấp hành pháp luật trên lĩnh vực PCTN, tiêu cực đối với 14 tập thể và 40 cá nhân.
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm toán và việc phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng đã thu được một số kết quả đáng ghi nhận. Trong 9 tháng, toàn tỉnh tiến hành 174 cuộc thanh tra hành chính; đã ban hành 129 kết luận thanh tra; qua thanh tra tại 295 đơn vị đã phát hiện sai phạm hơn 32.842,81 triệu đồng và 10.211,4 m2 đất; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 13.351,51 triệu đồng và 2.523,4 m2 đất; kiến nghị chấn chỉnh, giảm trừ giá trị quyết toán, xử lý khác 19.491,3 triệu đồng và 7.688 m2 đất; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 142 tập thể, 253 cá nhân; chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh 01 trường hợp, chuyển thông tin vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh 03 trường hợp và Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Thăng Bình 01 trường hợp để xem xét theo thẩm quyền.
Thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, PCTN: Tiến hành 51 cuộc thanh tra; đã ban hành 43 kết luận thanh tra (trong đó, có 11 kết luận thanh tra năm 2023 chuyển sang); qua thanh tra tại 44 đơn vị, đã kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 08 tập thể, 24 cá nhân.
Cùng thời gian, qua điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng trong phạm vi theo dõi, quản lý của UBND tỉnh, phát hiện tài sản thiệt hại do tham nhũng (qua công tác điều tra của Công an 2 cấp) hơn 14,7 tỷ đồng, đã thu hồi hơn 9,6 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thời gian qua, công tác PCTN, tiêu cực đã được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về PCTN, tiêu cực đã và đang được các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp chính quyền triển khai thực hiện tích cực, đồng bộ, có hiệu quả; nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện có hiệu quả tích cực; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và người dân trong PCTN, tiêu cực ngày càng được phát huy tốt hơn...
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh thời gian đến, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương bám sát, thực hiện nghiêm túc việc triển khai các nhiệm vụ về PCTN, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN, phát huy vai trò của xã hội và người dân; nâng cao vai trò giám sát và chất lượng các cuộc giám sát trong việc phát hiện tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng, việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương có phát sinh các vụ việc tham nhũng căn cứ vào mức độ của vụ việc tham nhũng xử lý về đảng, xử lý hành chính đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng; xử lý hành chính đối với các cá nhân có hành vi tham nhũng và xử lý nghiêm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nếu để xảy ra vụ, việc tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách theo quy định tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ.