(QNP) - Sáng 23/4, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam tổ chức lớp tập huấn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và ghi nhãn hàng hóa bằng phương pháp điện tử, thu hút sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, trường học và cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh.
Chương trình nhằm cung cấp cho các học viên những kiến thức quan trọng về các quy định pháp lý mới nhất và cách thức triển khai hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Phát biểu khai mạc tại buổi tập huấn, ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc và ghi nhãn hàng hóa điện tử không chỉ là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, mà còn là một bước đi quan trọng giúp các doanh nghiệp nâng cao tính minh bạch, khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu.
“Thông qua lớp tập huấn này, chúng tôi mong muốn hỗ trợ các đơn vị trong tỉnh nắm vững quy định pháp luật, triển khai hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc và từng bước làm chủ công nghệ ghi nhãn hiện đại” - ông Sinh nhấn mạnh.
Lớp tập huấn không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước cập nhật kiến thức pháp lý mà còn là dịp để trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu về các ứng dụng thực tế trong công tác quản lý và sản xuất.
Được tổ chức trong hai ngày, ngày 23 đến 24/4/2025, lớp tập huấn còn giúp các học viên hiểu rõ hơn về các quy trình kỹ thuật, hướng dẫn triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc tại doanh nghiệp, qua đó giúp đơn giản hóa quá trình quản lý chất lượng sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cùng với đó, lớp tập huấn cũng phổ biến các quy định về ghi nhãn hàng hóa điện tử theo các văn bản pháp lý mới, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.
Đây là hoạt động trọng tâm trong kế hoạch khoa học và công nghệ năm 2025 của tỉnh, hướng đến các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh, cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông trên địa bàn. Chương trình nhằm cung cấp kiến thức pháp lý và hướng dẫn triển khai thực tế, giúp các đơn vị tiếp cận và ứng dụng hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc trong sản xuất và phân phối sản phẩm.
Tại buổi tập huấn, đại biểu được giới thiệu về cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia; phân tích thực trạng triển khai trên thị trường và một số mô hình điển hình. Ngoài ra, còn hướng dẫn kỹ thuật triển khai hệ thống truy xuất tại doanh nghiệp, những yêu cầu bắt buộc về ghi nhãn điện tử và các bước thực hiện trong thực tiễn.
Các văn bản pháp lý quan trọng được phổ biến trong tập huấn gồm: Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc; Thông tư số 18/2022/TT-BKHCN về ghi nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử; và Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa. Những văn bản này đóng vai trò nền tảng để doanh nghiệp thực hiện đúng quy định và thích ứng với yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.
Việc áp dụng ghi nhãn bằng phương pháp điện tử không chỉ giúp tiết kiệm chi phí và giảm thiểu sai sót trong quá trình ghi nhãn, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy vết sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tăng cường hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước.
Đặc biệt, lớp tập huấn có sự tham gia của Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia – đơn vị chuyên môn hàng đầu trong lĩnh vực này – với vai trò báo cáo viên chính. Sự góp mặt của trung tâm giúp nâng cao chất lượng nội dung, mang đến những chia sẻ thực tiễn, thiết thực và sát với nhu cầu triển khai của các địa phương, doanh nghiệp.
Trong bối cảnh yêu cầu về truy xuất nguồn gốc ngày càng trở nên cấp thiết, đặc biệt đối với sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm và hàng hóa xuất khẩu, chương trình tập huấn không chỉ là cơ hội để cập nhật kiến thức pháp lý, mà còn là dịp kết nối, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị. Qua đó, thể hiện quyết tâm của tỉnh Quảng Nam trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ theo định hướng phát triển bền vững.